Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/10

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong quý III niên độ tài chính 2022-2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.645 tỷ đồng (giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận gộp đạt 892 tỷ đồng (giảm 44%). Sau khi trừ hết tất cả chi phí, lợi nhuận ròng còn lại chỉ khoảng 14 tỷ đồng (giảm 95% so với cùng kỳ) và (giảm 95% so với quý trước). Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng chỉ còn 10,1% (giảm 2,8 điểm % so với quý trước) do giá bán nội địa và xuất khẩu đều giảm.

Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa của HSG sẽ có sự phục hồi đáng kể từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024 với các nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó kênh xuất khẩu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ tập khách hàng rộng khắp và giá bán cạnh tranh hơn so với giá bán của thị trường Mỹ và EU.

Với việc giá HRC liên tục duy trì mức nền thấp liên tục trong thời gian dài từ giữa năm 2022 sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất thép gia tăng nhập nguyên vật liệu ở mức giá thấp, giúp cải thiện Biên lợi nhuận gộp khi giá bán các sản phẩm thép và tôn mạ tăng trở lại.

Dựa trên những triển vọng về hoạt động kinh doanh cũng như giả định về sản lượng tiêu thụ, của HSG, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho HSG là 24.700 đồng/cổ phiếu, tương đương upside 34,9% so với mức giá đóng cửa ngày 05/10/2023, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu FPT

CTCK Tiên Phong (TPS)

CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 32.8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2%. Theo đó, FPT đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiếu số đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%.

Mảng CNTT: tiếp tục tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số, được dẫn dắt chính bởi hoạt động xuất khẩu phần mềm (XKPM) ra nước ngoài tăng 30.4% yoy. Ngược lại, thị trường trong nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn, ở mức 10.7% yoy do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Mảng viễn thông: Doanh thu và lợi nhuận ghi nhận mức độ tăng trưởng một con số, phù hợp với xu hướng chung của ngành do những lo ngại về doanh thu trung bình trên mỗi người dùng của mảng băng thông rộng và PayTV có thể giảm vào năm 2023.

Mảng giáo dục và mảng khác: ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế. FPT đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực công nghệ trong nước và khu vực. Đây là mảng kinh doanh hứa hẹn mang lại khả năng sinh lời lạc quan cho công ty trong thời gian tới.

Định giá và quan điểm đầu tư: Chúng tôi đưa ra dự báo EPS và BVPS cho năm 2024 lần lượt ở mức 5,788VND/CP và 28,189VND/CP. Sử dụng kết hợp 3 phương pháp SoTPs, P/E và P/B, chúng tôi ước tính giá mục tiêu cho FPT là 107.300 đồng/CP và khuyến nghị nắm giữ.

Rủi ro đầu tư: (1) Rủi ro suy thoái kinh tế đặc biệt các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản; (2) Biến động của lãi suất và tỷ giá (USD và JPY); (3) Cạnh tranh từ các công ty phần mềm Ấn Độ và Trung Quốc; (4) Thiếu hụt nhân sự CNTT và chi phí nhân công tăng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-910-post331363.html