Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và những đêm trắng dưới 'mưa tên lửa'

Khi những tên lửa thi nhau nổ trên bầu trời Tel Aviv, cũng là lúc cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Israel 'thót tim' với cảm giác đối mặt với sinh tử tưởng chừng như chỉ ở trong phim...

Đêm không bình yên ở Tel Aviv, Israel. (Nguồn: AP)

Tranh thủ quãng thời gian khi tiếng còi báo động tên lửa ở thành phố Tel Aviv tạm lắng xuống, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã chia sẻ với phóng viên TG&VN về trải nghiệm chưa từng có khi căng thẳng Israel-Palestine leo thang thành xung đột.

Những đòn trả đũa bằng số lượng tên lửa “khủng” ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn, công việc và đời sống các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đang công tác tại đây.

Biến cố dồn dập

Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, căng thẳng bắt đầu gia tăng từ cuối tuần trước khi xảy ra đụng độ, xô xát khiến hàng chục người bị thương ở Jerusalem giữa những người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel.

Xung đột bắt đầu bùng nổ vào chiều thứ Hai ngày 10/5 khi hàng trăm tên lửa từ Gaza bắn vào Israel, lên đến cao điểm từ đêm thứ Ba ngày 11/5 và đêm thứ Tư ngày 12/5 khi hàng trăm tên lửa bắn về Tel Aviv.

Những ngày sau đó liên tiếp chứng kiến xung đột gia tăng giữa hai bên khi phía Israel. Theo thống kê, khoảng hơn 1.700 quả rocket và đạn pháo bắn vào Israel, đặc biệt là thủ đô Tel Aviv, nơi tập trung các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Trong khi đó, Israel đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích sang Gaza. Đây có lẽ là tình trạng an ninh khó khăn và xung đột căng thẳng nhất kể từ năm 2014.

Ngoài ra, Israel cũng đang chứng kiến tình trạng bạo loạn xã hội gia tăng giữa người Do Thái và người Arab xảy ra ở hàng loạt thành phố, nơi hai cộng đồng cùng chung sống lâu nay như Lod, Bat Yam, Jaffa, Accor, Haifa...

Bạo loạn xã hội ngày càng lan rộng và dữ dội khi hai bên đánh đập, đốt phá cửa hàng, phương tiện xe cộ của nhau, gây nhiều thương vong và tổn hại vật chất cho cả hai bên.

Lod, một thành phố nhỏ cách Tel Aviv khoảng 40km, đã phải áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Học sống chung với... tình huống khẩn cấp

Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, do xác định đây là "địa bàn chiến tranh", thường xuyên bất ổn về an ninh, nên các cán bộ Đại sứ quán luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi sát sao tình hình và luôn chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Kế hoạch này thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và được quán triệt tới từng cán bộ nhân viên trong Đại sứ quán.

Mỗi người phải tự trang bị các kỹ năng cần thiết như đang đi trên đường cao tốc mà thấy nổ đạn pháo thì phải xử lý làm sao, trường hợp có còi báo động an ninh thì phải làm gì…

Đại sứ Đỗ Minh Hùng cùng cán bộ nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Israel và gia đình hồi đầu năm 2021. (Nguồn: ĐSQ VN tại Israel)

Phần lớn cán bộ nhân viên tại Đại sứ quán là cán bộ trẻ, lần đầu tiên đi công tác nhiệm kỳ nước ngoài, sống cùng gia đình ở Tel Aviv.

Trước khi sang nhận nhiệm vụ tại địa bàn, các cán bộ nhân viên đều đã trải qua các khóa đào tạo, cập nhật thông tin về quan hệ giữa hai nước, tình hình đặc trưng của Israel, cũng như quan hệ của Israel với các nước khu vực.

Khi đặt chân đến Israel, một trong những việc phải làm đầu tiên đối với tất cả các cán bộ nhân viên Đại sứ quán là cài ứng dụng “Red Alert" (Báo động đỏ) vào điện thoại để có thể nhận được thông báo thường xuyên, liên tục về các vụ tấn công tên lửa một cách nhanh chóng và chính xác.

Đại sứ quán lập một nhóm chat trên điện thoại để giữ liên lạc, trao đổi thường xuyên về công việc, và cập nhật tình hình các cán bộ nhân viên 24/24. Ngoài giao ban định kỳ, các cuộc họp nhanh, đột xuất được tổ chức khi có công việc gấp hoặc xảy ra các tình huống khẩn cấp.

Đại sứ Đỗ Minh Hùng chia sẻ: “Sự chủ động trong công tác chuẩn bị đã giúp chúng tôi sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khẩn cấp”.

Hai lần còi báo động trong đêm

Khoảng 21h ngày 10/5, tiếng còi báo động bắt đầu hú ầm khắp thành phố, cảnh báo đến người dân về loạt tên lửa đầu tiên sắp tấn công vào Tel Aviv.

Ngay lập tức, Đại sứ Đỗ Minh Hùng và các đồng nghiệp ở Đại sứ quán phải rời xuống hầm trú ẩn của căn hộ riêng hoặc hầm trú ẩn công cộng của khu nhà.

Tại Israel, hầu như tòa nhà nào cũng có hầm trú ẩn để người dân đều có thể sử dụng lúc khẩn cấp do tình hình bất ổn luôn chầu chực.

Hầm trú ẩn thường được xây như tầng âm, là một căn phòng bê-tông bao kín, có cửa sắt có thể đóng chặt phía ngoài và cửa thông gió. Ngoài ra là hệ thống hầm công cộng nằm rải rác trong thành phố.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, Bí thư thứ Hai phụ trách chính trị và cộng đồng tại Đại sứ quán, cho biết tiếng còi báo động vang lên khi vợ chồng anh còn đang dạy tiếng Việt cho con.

Nhận diện được tiếng còi báo động như đã từng xem ở các video về đối phó tình huống khẩn cấp của các cơ quan Israel, anh vội vàng bế con cùng vợ chạy ra khỏi nhà để di chuyển thang bộ xuống hầm trú ẩn.

Người hàng xóm của anh Tuấn thấy cháu bé khóc thì nói chuyện, dỗ dành và trấn an vợ chồng anh. Có người còn đùa với anh Tuấn rằng: “Chào mừng bạn đến với Israel!”.

Anh Tuấn cho hay: “Ở trong hầm, tôi có thể nghe rõ chấn rung của tên lửa, hoặc các mảnh tên lửa bị hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đánh vỡ và rơi xuống mặt đất. Cứ khoảng vài chục giây sẽ nghe thấy tiếng ầm lớn như tiếng sấm. Việc này kéo dài trong gần nửa tiếng”.

Mặc dù đã được xem qua các video về tình huống khẩn cấp nhưng khi sự việc đột ngột diễn ra, anh Tuấn vẫn khá lo lắng.

Anh phải cố gắng thật bình tĩnh để xử lý tình huống, động viên vợ con an tâm, đặc biệt khi cháu bé ở trong hầm tối rất sợ hãi và khóc không thôi...

Khác với tâm trạng lo lắng của gia đình anh Tuấn khi lần đầu trải qua báo động đỏ, cư dân tòa nhà nơi anh ở có vẻ bình tĩnh, thoải mái hơn vì đã khá quen với tình huống này.

Người hàng xóm của anh Tuấn thấy cháu bé khóc thì nói chuyện, dỗ dành và trấn an vợ chồng anh. Có người còn đùa với anh Tuấn rằng: “Chào mừng bạn đến với Israel!”.

Căn hầm trú ẩn bên dưới tòa nhà ở thành phố Tel Aviv, Israel. (Nguồn: NVCC)

Giống như anh Tuấn, chị Trần Thị Thảo, Bí thư thứ Ba tại Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, cùng gia đình cũng có một đêm đáng nhớ tưởng chừng như chỉ có trên phim hay thời chiến tranh Việt Nam ngày xưa.

Là cán bộ trẻ lần đầu đi nhiệm kỳ, trải qua khoảnh khắc sinh tử dưới màn “mưa” tên lửa là một trải nghiệm như chị Thảo chia sẻ là “đầy cảm xúc”, đặc biệt khi gia đình chị Thảo ngoài vợ chồng và con nhỏ còn có mẹ già hơn 70 tuổi cùng sinh sống.

Khi cả gia đình xuống được hầm trú ẩn, chị Thảo chỉ biết thầm cầu nguyện hy vọng tên lửa không rơi trúng tòa nhà mình. Lo cho mình một thì chị lo cho con nhỏ và mẹ già mười nhưng chị vẫn giữ bình tĩnh và trấn an hai bà cháu.

Được một lúc khi bên ngoài hết tiếng nổ, người dân trong tòa nhà bảo ổn rồi thì gia đình chị Thảo mới được trở về nhà.

Tưởng chừng như mọi nguy hiểm đã qua, khi cả nhà chị Thảo đang say giấc thì khoảng 3h sáng ngày 11/5, còi báo động kêu lần thứ hai. Mọi người còn chưa kịp hoàn hồn thì lại phải vùng dậy chạy xuống hầm trú ẩn.

Mặc dù là lần thứ hai nhưng việc tên lửa bắn lúc sáng sớm là quá sức với mọi người, đặc biệt là với mẹ chị Thảo.

“Mẹ chị vốn lo lắng, mất ngủ vừa mới thiếp đi thì lại tiếp tục báo động khẩn cấp lần hai. Sau đó, cũng chả ai có tâm trạng để ngủ. Đêm đó coi như đêm trắng!”, chị Thảo chia sẻ.

Bình tĩnh, kiên cường và lạc quan

Khi xảy ra báo động khẩn cấp, Đại sứ Đỗ Minh Hùng lúc nào cũng trực chờ điện thoại trong tay để hỏi thăm tình hình cán bộ nhân viên Đại sứ quán.

Tình huống càng khẩn cấp thì Đại sứ càng cần giữ bình tĩnh hơn bao giờ hết.

"Là người đứng đầu Cơ quan đại diện, khi tên lửa bắn phá vào Tel Aviv như vậy, một mặt tôi tin tưởng vào sự chủ động chuẩn bị và khả năng ứng phó đã được trang bị của các anh em, mặt khác tôi vẫn lo cho an nguy của các anh em cùng gia đình và liên tục hỏi thăm tình hình mọi người cho đến khi ai cũng trả lời là an toàn tôi mới yên tâm”.

Những ngày này, điện thoại của mọi người thường xuyên rung liên tục vì thông báo từ ứng dụng “Cảnh báo đỏ”.

Theo thống kê, trong đêm ngày 10/5 rạng sáng ngày 11/5 đã có 130 quả tên lửa bắn về Tel Aviv, trong đó có 90% tên lửa được đánh chặn và số còn lại rơi ở khu vực ngoại ô thành phố gây thương vong cho người dân Israel.

Nhận diện tình hình diễn biến nhanh theo chiều hướng xấu, ngay sáng 12/5, Đại sứ Đỗ Minh Hùng đã tổ chức họp nhanh toàn thể cán bộ nhân viên sứ quán nhằm đánh giá tình hình và quán triệt các biện pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Đại sứ nhấn mạnh: “Ưu tiên số một hiện nay là bảo đảm an toàn, an ninh cho cán bộ nhân viên và gia đình".

Cuộc họp đã rà soát lại kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp, yêu cầu các cán bộ nhân viên quán triệt các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, giữ liên lạc thường xuyên trong nhóm chat của Đại sứ quán liên tục để cập nhật thông tin, theo dõi tình hình, diễn biến mới.

Với những chỉ đạo và quan tâm kịp thời của Đại sứ, các cán bộ nhân viên và gia đình cảm thấy an tâm và có kế hoạch rõ ràng hơn trong hành động.

Nhờ đó, khi còi báo động tình huống khẩn cấp tiếp tục vang lên hai lần trong đêm ngày 12/5 và một lần vào buổi trưa ngày 13/5, các cán bộ nhân viên cùng gia đình bắt đầu “quen” và xử lý tình huống một cách bình tĩnh, tự tin hơn.

Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, mặc dù tình trạng an ninh căng thẳng và xung đột ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường, nhưng tinh thần chung của các anh chị em Đại sứ quán là bình tĩnh, kiên cường và lạc quan, không có sự xáo trộn trong tâm tư tình cảm, đồng thời vẫn bảo đảm việc triển khai đầy đủ các công việc, nhiệm vụ được giao.

Tâm lý anh chị em cũng vững vàng hơn khi nhận được tin nhắn và điện thoại thăm hỏi của Bộ trưởng Ngoại giao, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan trong Bộ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn cho Đại sứ quán và cộng đồng người Việt.

Đối với chị Thảo, trải nghiệm "tình huống khẩn cấp" lần đầu tiên này đã giảm lo lắng rất nhiều với sự quan tâm và chỉ đạo của Đại sứ, cảm giác "làm bạn với hầm trú ẩn" sau 3 ngày cũng dần quen và có sự phản ứng nhanh hơn...

Mặc dù vậy, chị Thảo vẫn canh cánh trong lòng mối lo rằng xung đột, chiến sự sẽ căng thẳng, dữ dội hơn, thậm chí dẫn đến kịch bản tồi tệ nhất.

Đó là nỗi lo của người lớn, còn nỗi lo của con trẻ thì có phần giản đơn hơn.

Mấy hôm nay, buổi tối trước khi lên giường ngủ, con chị Thảo đều hỏi: “Mẹ ơi, đêm nay có còi rú nữa không?”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-quan-viet-nam-tai-israel-va-nhung-dem-trang-duoi-mua-ten-lua-145201.html