Dấu ấn phụ nữ, điểm sáng của thế giới năm 2021

Nếu phải chọn ra một trong những điều tuyệt vời, một điểm sáng trong bức tranh vẫn còn nhiều màu xám của thế giới 2021, thì đó chính là giá trị và vai trò của người phụ nữ trở nên nổi bật và quan trọng hơn bao giờ hết.

Năm 2021 vẫn bị bao trùm bởi đại dịch Covid-19, song cũng bởi vậy những thành tựu to lớn của phụ nữ càng trở nên nổi bật và đáng ghi nhận hơn. Lần đầu tiên, chính phủ Đức có tới 50% phụ nữ, thế giới Ả Rập cũng có lãnh đạo phụ nữ đầu tiên, rồi nữ nhà báo Maria Ressa đoạt giải Nobel hòa bình, hay người đầu tiên dám thách thức “đế chế” Facebook lại là một đại diện của phái yếu: Frances Haugen. Chưa hết, lần đầu tiên những người phụ nữ Afghanistan dám đứng lên đòi quyền lợi của mình từ tay Taliban.

Phụ nữ Afghanistan đứng lên

Vào cuối tháng 8, kịch bản ác mộng của phụ nữ Afghanistan đã thành hiện thực: Taliban đã trở lại nắm quyền. Nó đã tạo ra một thách thức lớn về nền dân chủ và nữ quyền chỉ mới được hình thành tại quốc gia này. Nhưng, phụ nữ Afghanistan không chịu cam phận, họ vùng lên biểu tình ở các thành phố để bảo vệ quyền được học hành, làm việc và quyền đại diện chính trị của mình.

Phụ nữ Afghanistan lại đang ở tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh tại Afghanistan

Để rồi, các vụ bắt bớ, sách nhiễu và giết người diễn ra ngay sau đó. Vào ngày 5 tháng 11, thi thể của 4 phụ nữ được phát hiện trong một con mương gần thành phố Mazar-i-Sharif, miền bắc nước này, với đầy vết đạn. Trong số đó có Forouzan Safi, nhà vận động nổi tiếng cho quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Taliban từng hứa hẹn sẽ có một chế độ cai trị ít tàn bạo hơn so với những năm 1990, nhưng phần lớn phụ nữ vẫn bị loại khỏi các diễn đàn dân sự và giáo dục. Họ có nguy cơ bị tấn công nếu ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng.

Phụ nữ ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ đánh đập, cưỡng bức hôn nhân và bắt cóc. Song chính phụ nữ Afghanistan lại ở tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh ở đất nước đang khủng hoảng toàn diện này, gồm việc nền kinh tế sụp đổ do cạn kiện nguồn viện trợ nước ngoài kể từ khi Taliban tiếp quản.

Najla Bouden, thủ tướng đầu tiên thế giới Ả Rập

Hai tháng sau khi giải tán quốc hội, Tổng thống Kais Saied của Tunisia đã gây ra một bất ngờ vào tháng 9 khi bổ nhiệm một giáo sư đại học và người không có kinh nghiệm chính trị làm thủ tướng phụ nữ đầu tiên của đất nước. Najla Bouden Romdhane, 63 tuổi, có bằng tiến sĩ địa chất, thậm chí là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này trong thế giới Ả Rập.

Trước khi được bổ nhiệm, Bouden đã giữ các vị trí cấp cao tại Bộ giáo dục Tunisia, đặc biệt là giám sát các dự án của Ngân hàng Thế giới. Bà sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức khó khăn với tư cách là thủ tướng ở một đất nước luôn bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế này.

Frances Haugen thách thức “đế chế” Facebook

Trước ngày 3 tháng 10, hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về Frances Haugen. Nhưng người phụ nữ 37 tuổi này đã trở thành một cái tên nổi tiếng kể từ khi tố cáo vụ rò rỉ các tài liệu nội bộ, vạch trần bộ mặt đen tối của đế chế truyền thông xã hội Facebook.

Haugen khẩn cấp kêu gọi việc kiểm soát Facebook

Vào tháng 5 năm nay, Haugen đã rời khỏi vị trí giám đốc sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ này, mang theo hàng chục nghìn tài liệu bên mình. Các bằng chứng đáng sợ mà cô chia sẻ với cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và báo chí cho thấy Facebook đang gây ra sự thù ghét trên thế giới và gây hại cho sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Kể từ khi công khai vào tháng 10, Haugen đã xuất hiện trước các nhà lập pháp ở Mỹ và khắp châu Âu, cáo buộc công ty của Mark Zuckerberg chọn “lợi nhuận lên trên hết”. Tại mỗi điểm dừng chân, Haugen đều khẩn cấp kêu gọi việc kiểm soát Facebook và giảm thiểu tác hại mà nó gây ra cho xã hội.

Maria Ressa, nữ nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình

Maria Ressa, một người phụ nữ khác đã song hành với Frances Haugen, dù có thể họ không biết nhau, trong sứ mệnh chống lại những tác hại của tin tức giả mạo và rủi ro tiềm ẩn trên mạng xã hội.

Nữ nhà báo Maria Ressa

Ghi lại tin tức giả và thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội là công việc Maria Ressa ở quê hương Philippines. Để rồi, những công việc của nhà báo 58 tuổi này đã được vinh danh ở mức độ cao nhất khi được trao giải Nobel Hòa bình 2021 vì “dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận”. Cùng chia sẻ giải thưởng danh giá này còn có một nhà báo nam là Dmitry Muratov của Nga.

Ressa đứng đầu trang web tin tức điều tra Rappler, một nguồn thông tin quan trọng về cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của vị tổng thống theo đường lối cứng rắn của Philippines, Rodrigo Duterte.

Là một cựu phóng viên CNN và cũng có quốc tịch Mỹ, Ressa đã bất chấp bị đe dọa đến tính mạng để theo đuổi sứ mệnh làm báo của mình. Để đến nhận giải Nobel Hòa bình, nữ nhà báo Ressa đã đệ đơn lên bốn tòa án khác nhau mới có thể được phép đến Oslo vào tháng 12 trong lễ trao giải.

Kỷ nguyên Merkel kết thúc, kỷ nguyên phụ nữ bắt đầu

Năm 2021 đúng là đánh đấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới: Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, sự chia tay của bà đã nhận được sự tôn vinh của hầu hết nhà lãnh đạo nam giới khác tại châu Âu và trên thế giới, hiện tại cũng như trong quá khứ. Hay có thể nói, việc bà Merkel chia tay chính trường chỉ là khoảnh khắc in đậm dấu ấn của phụ nữ trong năm 2021, chứ không hề khiến nó trở nên phai nhạt hơn.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vun đắp sức mạnh cho phụ nữ suốt 16 năm qua

Tầm ảnh hưởng của bà Merkel về vai trò người phụ nữ tại nước Đức nói riêng, thế giới nói chung đã được thể hiện qua việc sau khoảnh khắc bà rời nhiệm sở cũng là thời điểm hàng loạt người phụ nữ Đức khác đứng lên. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Đức có tới 50% thành viên nữ, dù rằng người đứng đầu là nam giới: tân Thủ tướng Olaf Scholz.

Trong 8 nữ bộ trưởng trong chính phủ mới của Đức thậm chí có cả các nữ Bộ trưởng quốc phòng Christine Lambrecht, nữ Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock hay nữ Bộ trưởng nội vụ Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser.

Trong một thế giới vẫn còn đầy bất ổn bởi đại dịch Covid-19, vai trò và tầm ảnh hưởng lớn lao của phụ nữ càng trở nên ấn tượng và sâu đậm hơn. Hay có thể nói, đó là một trong những điều tốt đẹp, điểm sáng hiếm hoi trong mức tranh vẫn còn đầy màu xám của thế giới năm 2021.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-an-phu-nu-diem-sang-cua-the-gioi-nam-2021-post175174.html