Giải pháp nào phát huy giá trị di sản trong các bảo tàng?

Hiện nay, cả nước có 196 bảo tàng, trong đó có 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật, trong đó, 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, việc phát huy hệ thống bảo tàng và các khối hiện vật này chưa như kỳ vọng.

Chưa phát huy xứng tầm

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 21 bảo tàng ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động, chiếm gần 30% tổng số bảo tàng ngoài công lập của cả nước. Trong đó, nhiều bảo tàng được thiết kế khá bài bản, chuyên nghiệp như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Lịch sử văn hóa nghệ thuật Hà Nội, Bảo tàng Tố Hữu. Một số bảo tàng có những sưu tập hiện vật đặc biệt giá trị như: Bảo tàng Lịch sử văn hóa nghệ thuật Hà Nội, Bảo tàng Cổ vật Tràng An, Bảo tàng Radio, Bảo tàng Nghệ thuật kính màu, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội…

Các bảo tàng ngoài công lập bước đầu đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của công chúng; giá trị di sản văn hóa của các sưu tập tư nhân đã từng bước nâng tầm để phù hợp với định hướng phát triển bảo tàng ngoài công lập của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ. Đối với công tác quản lý nhà nước, các sưu tập tư nhân, bảo tàng ngoài công lập là cánh tay nối dài của công tác quản lý di sản văn hóa của Thủ đô, góp vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Thăng Long - Hà Nội, từng bước hạn chế tình trạng chảy máu cổ vật ra nước ngoài, góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập còn nhiều hạn chế như: Công tác trưng bày hiện vật của một số bảo tàng còn thiếu sức hấp dẫn, chưa bài bản, chuyên nghiệp; hình thức trưng bày còn đơn điệu, theo lối mòn, chưa chú trọng khai thác các giá trị phi vật thể của hiện vật. Một số bảo tàng vẫn chưa hoàn thiện không gian trưng bày đúng nghĩa với hoạt động bảo tàng, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động bảo tàng với hoạt động xúc tiến du lịch, hay sự kết nối giữa trưng bày hiện vật với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tọa đàm, hội thảo để làm tăng sức hấp dẫn, thu hút du khách tham quan.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, để phát huy được khối bảo tàng ngoài công lập, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự quan tâm, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ. Các cấp, các ngành của thành phố có sự động viên, khuyến khích nhiều hơn đối các chủ sưu tập hiện vật có mong muốn được cấp phép hoạt động bảo tàng trong tương lai.

Triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chính sách cần được điều chỉnh từ Luật Di sản văn hóa sửa đổi

Theo Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh, một số quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành mang tính chung chung, chưa có các điều khoản rõ ràng để tổ chức và triển khai thực hiện trong hoạt động bảo tàng, tổ chức các dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Hiện nay, thành phố có 17 bảo tàng. Mỗi năm, các bảo tàng đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, trong đó, hơn 1 triệu khách nước ngoài, tổng thu từ hoạt động dịch vụ khoảng 27 tỷ đồng. Vì vậy, hoạt động dịch vụ để phục vụ khách là hết sức cần thiết.

Trước đây, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ như giữ xe, bán hàng lưu niệm, giải khát... được các bảo tàng thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết. Từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời năm 2017, các bảo tàng không được phép thực hiện việc liên doanh liên kết như trước. Nhằm phục vụ khách tham quan, đồng thời tăng nguồn thu hỗ trợ hoạt động sự nghiệp, đảm bảo thu nhập cho viên chức và người lao động, các bảo tàng tự tổ chức thực hiện kinh doanh quầy giải khát, quầy lưu niệm, giữ xe cho khách tham quan. Vấn đề là các sản phẩm lưu niệm thường là sản phẩm giới thiệu về văn hóa truyền thống, vùng miền, sản phẩm thủ công của các dân tộc, sản phẩm của người khuyết tật, sản phẩm đặt hàng riêng theo nội dung bảo tàng, sản phẩm gắn với hoạt động trình diễn (giới thiệu văn hóa phi vật thể).

Nguồn cung cấp những sản phẩm này rất khó có hóa đơn VAT. Chưa kể, việc thuế thuê đất được tính trên toàn bộ diện tích của bảo tàng nhưng hạch toán vào chi phí dịch vụ, như thế là quá lớn… Trong thời gian tới cần có những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức các hoạt động dịch vụ, có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các bảo tàng mở rộng hoạt động dịch vụ văn hóa, mở rộng nguồn thu để đầu tư trở lại cho các hoạt động chuyên môn.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, để tháo gỡ các bất cập trong hoạt động bảo tàng, chúng ta rất cần xây dựng và ban hành những chính sách cụ thể, khả thi hơn. Đó là những chính sách về đất đai, thuế, phí và lệ phí, các chính sách thể hiện sự ưu tiên của nhà nước nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tàng, đặc biệt là sự phát triển các bảo tàng ngoài công lập. Hiện nay, Luật Di sản văn hóa sửa đổi đang được xây dựng. Những chính sách đó trước hết cần được tập trung xây dựng, ban hành trong Luật này. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định pháp luật có liên quan tại các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, ngay từ định nghĩa về bảo tàng cũng cần thay đổi. Từ đó, các bảo tàng nhận thức rõ chức năng của mình, trách nhiệm của mình, chủ động tích cực tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế văn hóa, giáo dục của quốc gia.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/giai-phap-nao-phat-huy-gia-tri-di-san-trong-cac-bao-tang--i713811/