Hạnh phúc và quan niệm Phật giáo về hạnh phúc

Hạnh phúc là con đường, là lẽ sống từ bi dựa trên nền tảng trí tuệ chân thật.

FacebookEmail

Mục lục bài viết

Hạnh phúc là gì?
Những dấu hiệu nhận biết bạn đang hạnh phúc
Nhận thức về hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là mục tiêu, cái đích mà bạn tìm kiếm; Hạnh phúc là con đường, là lẽ sống từ bi dựa trên nền tảng trí tuệ chân thật.

Thượng tọa TS Thích Hạnh Tuệ

Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là cái mà nhân loại xưa nay đi tìm, là một trạng thái cảm xúc tích cực (từ Phật giáo dùng: cảm thọ lạc) của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu vật chất hoặc tinh thần mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc tích cực bậc cao. Ở con người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui, sự hài lòng, mãn nguyện trong cuộc sống.

Hạnh phúc là thứ mà con người từ xưa đến nay, không phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tộc, luôn tìm kiếm và tranh cãi.

Định nghĩa, tiếng Anh từ ‘Happiness’; tiếng Hoa Xin fú là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, có khác biệt trong các nền văn hóa khác nhau.

Thiên chúa giáo: Hạnh phúc là con người được sống trong sự chia sẻ và biết yêu thương nhau.

Nhà triết học Platon là một trong những người đầu tiên phân loại hạnh phúc (eudaimonia): Hạnh phúc có thể phân chia theo các cấp bậc: hạnh phúc xác thịt, hạnh phúc bên ngoài và hạnh phúc tâm hồn.

Heraclitus nói: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc.

Karl Marx viết năm 1835, “… Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất…”.

Tâm lí học tích cực: Hạnh phúc là một trạng thái hiểu mình, hài lòng, mãn nguyện một cách chủ quan.

Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam ta đứng thứ 77 trên thế giới.

Một bài thơ về hạnh phúc của một nhà thơ 90 tuổi, người miền Tây vô danh, bạn vong niên với tác giả:

Hạnh phúc ơi, ngươi ở đâu thế nhỉ

Suốt cuộc đời, ta bôn ba, vất vả chạy tìm ngươi

Một sáng xuân tuổi già lụm khụm bên tách trà hương còn thoảng

Chợt nhận ra rằng, ngươi vẫn luôn ở sát bên ta

Trong kho tàng kinh điển Phật giáo, kinh Hạnh phúc (Mahamangala sutta trong tạng Pali, Tiểu bộ kinh. Tạng Hán là phẩm Cát Tường (phẩm thứ 42) của kinh Pháp Cú Thí Dụ (211, tạng kinh Ðại Chính tân tu), cho chúng ta một cách nhìn của Phật giáo về hạnh phúc. Bài kinh được thiền sư Nhất Hạnh dịch ra tiếng Việt như sau:

Đây là những điều tôi được nghe hồi đức Phật cư trú gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn Kỳ Đà. Hôm đó, trời đã vào khuya, có một thiên giả hiện xuống thăm Người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ:

“Trời và người thao thức
Muốn biết về hạnh phúc
Để sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy.”

Đức Thế Tôn chỉ dạy:

1. “Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là Hạnh phúc lớn nhất.

2. “Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chính
Là hạnh phúc lớn nhất.

3. “Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là hạnh phúc lớn nhất.

4. “Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là hạnh phúc lớn nhất.

5. “Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là hạnh phúc lớn nhất.

6. “Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là hạnh phúc lớn nhất.

7. “Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là hạnh phúc lớn nhất.

8. “Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là hạnh phúc lớn nhất.

9. “Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết Bàn
Là hạnh phúc lớn nhất.

10. “Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là hạnh phúc lớn nhất.

“Ai sống được như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Phước đức của tự thân.”

Những dấu hiệu nhận biết bạn đang hạnh phúc

Quan niệm, nhận thức về sự hạnh phúc có thể khác nhau ở mỗi con người, nhưng những dấu hiệu của sự hạnh phúc phổ biến nhất gồm có:

– Cảm giác bạn đang được sống một cuộc sống mà mình mong muốn

– Cảm nhận rằng hoàn cảnh sống của mình tốt đẹp, vui vẻ

– Cảm thấy rằng bạn đã hoàn thành (sẽ hoàn thành) những gì mà bạn mong muốn trong cuộc sống

– Cảm thấy thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống của mình

– Hàng ngày có nhiều cảm xúc hoan hỷ tích cực

– Thành tựu được sở nguyện của mình

Nhận thức về hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là mục tiêu, cái đích mà bạn tìm kiếm; Hạnh phúc là con đường, là lẽ sống từ bi dựa trên nền tảng trí tuệ chân thật.

Không tạo ác nghiệp chính là hạnh phúc

Quy y Tam bảo, sống theo giới là hạnh phúc

Vượt thoát khổ đau chính là hạnh phúc

Sống chính niệm tỉnh giác là hạnh phúc

Niết bàn là hạnh phúc tối thượng

Bôn ba tìm

Cái hạnh phúc

Trăng in bóng nước

Lông rùa sừng thỏ

Tỉnh mộng vàng

Thượng tọa TS Thích Hạnh Tuệ

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hanh-phuc-va-quan-niem-phat-giao-ve-hanh-phuc.html