Kích thích phục hồi kinh tế: Cần chính sách trung hạn phù hợp

(Tài chính) Đến thời điểm này, các chỉ báo kinh tế vĩ mô đã thể hiện dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn cảnh báo nhiều tín hiệu khó khăn, phải tiếp tục đối mặt với không ít thách thức phía trước. TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng đây là lúc phải nắm lấy cơ hội để đưa ra những chính sách phù hợp, tạo sự phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Cần các giải pháp để tăng tổng cầu mới kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nguồn: saigondautu.com.vn

Tăng trưởng dưới tiềm năng

PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về nền kinh tế nước ta trong thời điểm này và dự báo ra sao trong những tháng cuối năm 2013?

TS. Trần Du Lịch: Nói chung nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Cụ thể với mức đầu tư kinh tế hiện nay, Việt Nam có thể tăng trưởng 7%, nhưng hiện chỉ tăng trưởng dưới 5%. Đồng thời, nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn.

Thứ nhất, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm tình hình khó khăn thêm. Mặc dù CPI 7 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 2,58%, nhưng lạm phát vẫn rình rập do nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi: Tốc độ tăng trưởng trong quý I/2013 là 4,5% nhưng quý II đã lên 5%. Tốc độ tăng trưởng của cả hai quý đầu năm là 4,9%. Nhưng mức độ phục hồi này quá chậm, do nước ta còn trong giai đoạn khá trì trệ dù niềm tin có tăng. Sức mua thị trường chưa tăng đáng kể và đặc biệt là nông sản mất giá, đã làm thu nhập nông dân giảm, thị trường nông thôn khó tăng trưởng nhanh.

Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tình trạng “thừa tiền thiếu vốn” còn kéo dài, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN), nhất là DNNVV vẫn khó khăn.

Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng được mong đợi của DN do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm 7%, việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, đặc biệt lãi suất vay trung và dài hạn, nên sẽ không kích thích được DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với DN đang nỗ lực phục hồi.

Thứ tư, những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện, khiến việc xử lý nợ xấu của NHTM cũng khó khăn.

Tuy nhiên, 2013 sẽ là năm hồi phục nền kinh tế, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất nhập khẩu đã ổn định so với năm 2012. Thị trường tài chính, bất động sản tuy chưa khởi sắc nhưng cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Chính phủ tiếp tục thực thi các chính sách ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, áp dụng nhiều biện pháp để tăng tổng cầu, kích thích phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, bên cạnh những thách thức vẫn có cơ hội để tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển trung và dài hạn.

Ông đã từng nói ám ảnh “bóng ma” lạm phát tạm thời lắng dịu và lạm phát không còn là con ngựa bất kham. Vậy đây có là cơ hội để làm việc lớn hơn, nếu không sẽ mất cơ hội?

Về vấn đề này, tôi đã đề xuất lên Quốc hội chương trình 3 năm phục hồi kinh tế từ nay hết năm 2015 phải giải quyết đồng bộ 3 vấn đề. Một là lấy lạm phát mục tiêu 7% mỗi năm trong 3 năm, chấp nhận nền kinh tế 3 năm liền lạm phát 7%, như vậy tạo dư địa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tính lại tổng cầu của nền kinh tế.

5 năm qua, để kéo giảm tổng cầu, Chính phủ dùng 2 công cụ tiền tệ và tài khóa để bơm ra rút vào nhanh nhất. Thời điểm này, tất cả dấu hiệu cho thấy những chỉ báo về vĩ mô là ổn định so với nhiều năm trước, CPI, lạm phát và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh.

Hai là Việt Nam là nền kinh tế phát triển 2 tốc độ, trong đó tốc độ của khối DN FDI vẫn tốt, khối DN trong nước trì trệ. Song pháp nhân vẫn là DN Việt Nam, nên nhịp độ xuất khẩu vẫn giữ được, tức Việt Nam vẫn còn ổn định được thị trường nước ngoài.

Thêm nữa, nếu quý IV/2011, nguy cơ đổ vỡ của một bộ phận NHTM rất lớn do các NHTM nhỏ chạy đua lãi suất vì thanh khoản nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đặt ra trần lãi suất huy động. Nay nguy cơ đổ vỡ đã giảm. Tôi nghĩ đây là cơ hội để bỏ trần lãi suất huy động, để đi vào cơ chế lãi suất theo thị trường, lãi suất là giá phải trả khi vay tiền.

Vai trò chính sách tiền tệ

Hiện DN vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay được kéo giảm, ông có nói khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, cụ thể do đâu?

Dấu hiệu ấm dần của thị trường bất động sản đã xuất hiện. Sự ấm này nhờ có phân khúc thị trường nhà ở trung bình, giá thấp, như nhà giá 1 tỷ đồng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Phân khúc này đang có nhu cầu và hiện nay nhiều nhà đầu tư đang đầu tư. Khi bất động sản phục hồi sẽ kéo theo thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng doanh thu, tức họ đã có tính toán về tiềm năng thị trường.

Năm nay lạm phát kỳ vọng 7%, lãi suất huy động cũng ở mức 7%/năm nên dư địa không còn, việc kéo giảm lãi suất huy động khó. Với lãi suất cho vay, NHTM đang trong tình trạng rất khó giảm chi phí do dịch vụ thị trường tài chính không phát triển được, nguồn thu chủ yếu dựa vào chênh lệch huy động và cho vay.

Khi huy động vào nhưng cho vay không được dẫn đến chi phí tài chính lớn, càng khó kéo giảm. Chưa kể có DN, NHTM cho vay 8-9%/năm lại không vay, còn DN muốn vay với lãi suất 14-15%/năm lại không được vay.

Như vậy, chính sách phải nhìn trên số đông và xu hướng phát triển để kích thích kinh tế phục hồi trong giai đoạn yếu ớt này, đặc biệt cần tiếp sức các NHTM nhỏ đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

Chính sách tiền tệ chỉ còn dư địa là công cụ bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường qua thị trường mở và các công cụ khác để xử lý tổng cầu, tăng cầu tín dụng.

Vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay sẽ như thế nào?

Năm nay, tăng trưởng tín dụng có hoàn thành kế hoạch 12% hay không còn tùy vào nhiều yếu tố. Bởi nước ta đã có thời điểm tín dụng tăng 2,5 đồng, GDP tăng 1 đồng, thậm chí tín dụng tăng 6-7 đồng nhưng GDP chỉ tăng 1 đồng. Nếu đặt trong điều kiện kinh tế bình thường, tín dụng tăng 3 đồng, GDP tăng 1 đồng, vậy muốn GDP tăng 6% tín dụng phải tăng 18%.

Ở các nước Đông Nam Á, định chế NHTM chỉ cung cấp 60-70% tổng tín dụng của kinh tế, 30-40% còn lại do các định chế tín dụng phi ngân hàng cung cấp. Còn Việt Nam, cứ 100 đồng tín dụng nền kinh tế, NHTM đóng góp 97 đồng, định chế tín dụng chỉ đóng góp 3 đồng. Chưa có nước nào NHTM phải gánh hết tín dụng ngắn, trung và dài hạn. Chúng ta phải đặt trong bối cảnh như vậy để đưa ra chính sách hợp lý.

Để gỡ bài toán tín dụng cần phải tính toán lại lãi suất và muốn kéo giảm lãi suất, quan trọng phải kéo giảm lãi suất trung hạn xuống. Nhưng hiện nay người dân đang chuộng gửi ngắn hạn, DN lại muốn vay trung hạn, nên để kéo giảm lãi suất trung hạn trước hết phải kéo giảm lãi suất ngắn hạn và phải phát triển vai trò các định chế tín dụng, kể cả thị trường chứng khoán để tạo sự đồng bộ.

Nhìn chung, từ nay đến cuối năm, vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và tác động DN là kỳ vọng giảm lãi suất nhưng sẽ không lớn lắm, lãi suất chỉ giảm đối với những DN có khả năng. Vấn đề hướng đến năm tới là giảm lãi suất trung hạn. Theo tôi với sự mất cân đối huy động cho vay, muốn giảm lãi suất cho vay cần tăng sức cung thông qua sự điều hành của NHNN.

Việc ưu tiên hỗ trợ vốn cho DNNVV đã được nói nhiều, nhưng rất ít DN tiếp cận được vốn và lãi suất vay cũng là vấn đề khó khăn, ông nhận định như thế nào?

Để hỗ trợ DNNVV, NHNN ra chính sách còn cho vay do NHTM quyết định, DN nào rủi ro thấp lãi suất thấp, rủi ro cao lãi suất cao… Nhưng NHNN cũng có một số chính sách như gói 30.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 6%/năm, nếu NHTM cho vay đúng đối tượng sẽ được tái cấp vốn.

Trong lúc các định chế chưa phát triển tốt, nếu NHNN mở ra các chương trình cho vay thông qua chính sách tái cấp vốn, tái chiết khấu cho NHTM nhiều hơn, DNNVV mới phát triển được. Tuy nhiên, để hỗ trợ DNNVV về tín dụng một cách căn cơ phải phát triển các định chế tín dụng phù hợp, như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, để giảm lệ thuộc vào NHTM. Đồng thời, phải dần hướng đến tín dụng tín chấp chứ không phải đòi hỏi tài sản thế chấp.

Xin cảm ơn ông.

Theo saigondautu.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trao-doi-binh-luan/kich-thich-phuc-hoi-kinh-te-can-chinh-sach-trung-han-phu-hop/29771.tctc