Kon Tum: Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện CCHC

Theo công bố của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ ngày 17/4, năm 2023, Chỉ số CCHC của tỉnh Kon Tum đạt 86,14 điểm, xếp thứ 43/63 cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2022; Chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 82,10%, xếp thứ 35/63 toàn quốc, tăng 7 bậc so với năm 2022.

Sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Kon Tum cho biết: Những kết quả cụ thể và con số biết nói về công tác cải cách hành chính (CCHC) và đánh giá hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan tổ chức trong tỉnh nói trên đã cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của của hệ thống chính trị trong tỉnh trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, trong 8 lĩnh vực xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2023, Kon Tum có 5 lĩnh vực tăng thứ hạng vượt bậc so với năm 2022, cụ thể: lĩnh vực Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội có sự bứt phá, tăng 30 bậc so với năm 2022; lĩnh vực Cải cách thể chế tăng 21 bậc, lĩnh vực Cải cách chế độ công vụ tăng 17 bậc; lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính tăng 15 bậc; lĩnh vực Cải cách tổ chức bộ máy tăng 14 bậc.

Đầu cầu tỉnh Kon Tum tham dự phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP/LS

Có thể nói, công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Bởi đây là nhiệm vụ được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Kon Tum đã từng bước đổi mới các nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh CCHC trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt đối với 02 lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, cải cách thể chế là lĩnh vực có điểm số tăng vượt bậc so với năm 2023. Để đạt được những kết quả trên, trong năm 2023, các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo sát sao công tác thể chế trong CCHC. Trong năm, tỉnh đã ban hành 161 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Chỉ đạo thực hiện thẩm định, tự kiểm tra theo quy định đối với 73 văn bản cấp tỉnh; 64 văn bản cấp huyện, và 24 văn bản cấp xã; kiểm tra theo thẩm quyền 64 văn bản cấp tỉnh và 24 văn bản cấp huyện. Kịp thời công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Chỉ đạo thực hiện rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới và đã được xử lý sau rà soát. Tiếp tục thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh,…

Những biến chuyển tích cực của các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của tỉnh Kon Tum trong 03 năm gần đây

Đẩy mạnh đổi mới thực hiên một cửa và một cử liên thông

Về cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 03 Quyết định công bố TTHC nội bộ với 30 TTHC và phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với 06/30 TTHC (đạt tỷ lệ 20%). Triển khai rà soát, đánh giá TTHC năm 2023 đối với 15/19 sở, ngành và 05/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt động Tổ công tác cải cách TTHC, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.

Đã ban hành 67 Quyết định công bố danh mục TTHC ban hành mới; chuẩn hóa; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Tổng số TTHC trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 1.721 TTHC (trong đó: cấp tỉnh: 1.387 TTHC, cấp huyện: 207 TTHC; cấp xã: 102 TTHC, chung 3 cấp: 25 TTHC). Người dân khi tham gia thực hiện các TTHC đã thực hiện quyền giám sát việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước; kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đối với việc giải quyết TTHC giải quyết chưa đúng quy định.

Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong đó, đã tiếp tục triển khai thực hiện phương án tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 23 TTHC (cấp tỉnh 19 thủ tục; cấp huyện 04 thủ tục).

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện thí điểm đã đạt được một số kết quả, cụ thể: tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh là 270 hồ sơ thuộc 03 lĩnh vực đất đai, cấp Phiếu lý lịch tư pháp và cấp Giấy phép xây dựng tại 06 đơn vị huyện, thành phố. Phê duyệt danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum với 39 TTHC.

Khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Ảnh: VGP/LS

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn đạt 98,15%

Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 239.029 hồ sơ thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đã giải quyết 233.414 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn đạt 98,15%). Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt cung cấp 1.371 dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh và trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (trong đó, 998 dịch vụ công toàn trình, 373 dịch vụ công trực tuyến một phần).

Việc xây dựng hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính đã mang đến tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội như phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức, khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng hành lang pháp lý, đẩy mạnh ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, địa phương đã tạo sự chủ động, linh hoạt và đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, tổ chức.

Theo đó, 2 lĩnh vực cải cách trên đã gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho sự đồng hành của doanh nghiệp. Vị trí xếp hạng về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh và cải cách thủ tục hành chính là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, đồng thời ảnh hưởng tích cực đến rất nhiều lĩnh vực khác như việc làm, an sinh xã hội…

Tổ chức các cuộc thi về cải cách hành chính tại huyện Đăk Glei - Ảnh: VGP/LS

Năm 2024, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công tác CCHC năm, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2020-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, tỉnh Kon Tum tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, cụ thể: Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; nây dựng mộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính theo hướng lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kon-tum-nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-thuc-hien-cchc-102240418093201568.htm