Lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc rất ít người

Diễn ra từ ngày 3 đến 5/11, Ngày hội văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người (gọi tắt là Ngày hội) lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu đã tái hiện bức tranh sống động về đời sống của các dân tộc rất ít người. Tại Ngày hội, các nghệ nhân, người dân - chủ thể lưu giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau giữ gìn, tôn vinh, trao truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Phần trình diễn của dân tộc Lự (tỉnh Lai Châu) đã để lại ấn tượng sâu sắc. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện nay, trong 54 dân tộc anh em, có 14 dân tộc có số người dưới 10.000 người được coi là dân tộc rất ít người, bao gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái. Các dân tộc này chủ yếu sinh sống tại 11 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An và Kon Tum. Tại Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc rất ít người là dân tộc Cống, Mảng, Si La, Lự, Cờ Lao.

Trong những ngày đầu tháng 11, tại mảnh đất Lai Châu xinh đẹp, đại diện của 14 dân tộc rất ít người đã có dịp hội tụ trong Ngày hội, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình để lan tỏa tới cộng đồng.

Với rất nhiều hoạt động giàu bản sắc, ngày hội thực sự tạo nên bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu nhưng không kém phần tinh tế và đa dạng về toàn cảnh đời sống văn hóa của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Ngày hội cũng tạo mạch nguồn cảm xúc cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã gắn bó, đam mê với nghệ thuật dân gian và thể thao truyền thống dân tộc, là động lực để đồng bào tiếp tục lan tỏa tinh thần này trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng, để văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng mãi mãi trường tồn và phát triển.

Anh Sìn Dỉ Gai, dân tộc Lô Lô ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi mang tới Ngày hội tiết mục múa “Nhớ ơn tổ tiên” vừa quảng bá bản sắc dân tộc Lô Lô, đồng thời cũng để các dân tộc khác và khách du lịch biết đến, người ta sẽ đến địa phương nhiều hơn”.

Anh Sìn Dỉ Gai rất tự hào khi dân tộc mình hiện còn giữ lại nguyên bản từ trang phục, tiếng nói, các tiết mục múa lễ hội, nhạc cổ truyền thống. Anh Sìn Dỉ Gai cho rằng, quê hương mình bảo tồn tốt văn hóa truyền thống là nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng. Người dân trong bản chú trọng truyền dạy văn hóa, lớp nghệ nhân trước hướng dẫn cho lớp trẻ.

Anh cho biết: “Chúng tôi chủ yếu tập cho đội trẻ vào thứ Sáu, thứ Bảy, sau những giờ học ở trường, tại các trường cũng đều có tiết học dạy văn hóa truyền thống. Bản thân tôi đi dạy đánh trống đồng của dân tộc Lô Lô, các cháu nhỏ rất thích và tham gia học đầy đủ. Vào ngày lễ, Tết, cả người lớn và trẻ em đều mặc trang phục dân tộc tham gia nhiệt tình”. Hiện nay, người dân bản Lô Lô Chải đã biết khai thác văn hóa truyền thống để làm du lịch cộng đồng, đón khách du lịch tới tham quan, tăng thêm thu nhập.

Lần đầu tiên đến với Ngày hội, ông A Ngốc, dân tộc Rơ Măm đến từ xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vui vẻ cho biết: “Dù phải di chuyển quãng đường xa, nhưng đoàn chúng tôi ai cũng háo hức được tới Lai Châu để giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình với các dân tộc khác. Chúng tôi rất vui khi nhận thấy các dân tộc rất ít người vẫn đang giữ được văn hóa của dân tộc mình như trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng...”.

Cùng chung tâm trạng, nghệ nhân Hù Thị Xuân, dân tộc Si La ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu rất phấn khởi khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được các dân tộc khác yêu thích. Điều khiến bà vui hơn cả là được giao lưu, học tập kinh nghiệm bảo tồn văn hóa với các dân tộc khác. “Trong lòng tôi tràn đầy niềm vui. Tôi tự hào về sắc màu văn hóa đa dạng của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, trong đó có dân tộc Si La của tôi. Việc tổ chức Ngày hội với nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, là động lực để tôi tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình” - bà Xuân chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Thủy nhìn nhận: “Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước”.

Ngày hội với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người” đã tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-gia-tri-van-hoa-dac-sac-cua-cac-dan-toc-rat-it-nguoi-post468799.html