Làng miến dong tất bật trong những ngày giáp Tết

Trong những ngày giáp Tết, không khí tại làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) sôi động hơn khi mọi người, mọi nhà đang tất bật với công việc sản xuất chế biến miến dong phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, làng So còn có tên gọi khác là Sơn Lộ. Đây là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng là đẹp nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn.”

Nơi đây còn được khắp mọi miền Tổ quốc biết tiếng với sản phẩm miến dong. Chính vì thế, người làng So vô cùng tự hào và vẫn truyền tụng câu ca “Cỗ yến thiếu miến làng So”... để khoe về sản phẩm nức tiếng quê mình. Ý rằng, dù cho có mâm cao cỗ đầy, nhưng nếu thiếu món miến của làng So thì chưa trọn vẹn...

Nghề làm miến đến với làng So có từ rất lâu đời, nhưng người dân cũng không nhớ rõ bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha bao đời để lại.

Theo ông Nguyễn Hữu Chuyền – người làm miến lâu năm trong làng, cho biết: “Để làm thành những sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên bột dong được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tất cả tạp chất trong bột lọc sạch đi, sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Thứ bột trắng mịn ấy được cho vào tráng thành bánh, phơi cho “héo.” Sau đó, người dân sẽ mang đi cán thành những sợi miến nhỏ và mang ra phơi ngoài cánh đồng khoảng 2 – 3 tiếng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nhiệt độ nắng, gió.”

Người dân đem đi cán thành những sợi miến nhỏ.

Nếu như trước đây miến dong phải làm bằng thủ công hoàn toàn thì nay đã có máy móc hỗ trợ, nên quá trình cán miến rất nhanh, những sợi miến nhỏ đều và đẹp hơn.

Sau khi cán miến thành những sợi nhỏ, người dân bắt đầu xếp miến lên giàn tre mang đi phơi nắng.

Không phải ngẫu nhiên miến dong làng So lại trở thành thương hiệu, ông Chuyền chia sẻ: “Miến dong làng So không giống với các loại miến khác, miến làm bằng bột dong riềng nguyên chất 100% được nhập từ các tỉnh của vùng Tây Bắc. Nên khi nấu sợi miến dong của làng So sẽ có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên, kể cả nấu quá lửa không bị nhão, bết dính. Và món ăn bình dị, dân dã đậm đà chất quê này đã đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi người dân nơi đây.”

Bên cạnh đó, hương vị đặc trưng của miến làng So còn được tạo nên bởi nguồn nước giếng vừa trong, vừa ngọt mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Hiện nay, tuy đã có công nghệ sấy khô nhưng miến làng So vẫn giữ cách làm khô truyền thống, phơi dưới ánh nắng và gió tự nhiên. Miến thường được phơi khô ở những khu vực rộng, những nơi xa khu dân cư, ít khói bụi để đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi miến của làng So được dai, giòn và thơm hơn.

Sau khi phơi khô người dân bắt đầu đóng gói.

Ngày nay, sản phẩm miến dong làng So đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… thậm chí xuất khẩu ra các nước như Nhật Bản, Đức, Đài Loan... Đặc biệt, vào dịp Tết có những ngày cao điểm các cơ sở sản xuất miến dong có thể làm đến 4-5 tấn miến.

Có thể thấy, xã hội ngày càng hiện đại, nhiều làng nghề bị mai một nhưng tại làng So người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông để lại, đồng thời các thế hệ trẻ của làng luôn sẵn sàng tiếp nối và quảng bá, phát triển nghề miến dong hơn nữa trong đời sống hiện đại.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lang-mien-dong-tat-bat-trong-nhung-ngay-giap-tet-38166.html