Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình 'gắn kết hộ' giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: “Gắn kết hộ” tức là hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ công nhân người DTTS nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, xóa bỏ tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên.

Đây chính là lấy đoàn kết để chống lại sự chia rẽ, lấy tình làng nghĩa xóm chống lại tư tưởng “đèn nhà ai nấy rạng”, gắn kết trên tình cảm chia ngọt sẻ bùi, “tối lửa tắt đèn có nhau”, giúp nhau để từ đó đề cao tình nghĩa, trách nhiệm.

Công ty 715 (Binh đoàn 15) tổ chức gắn kết hộ giữa công nhân người Kinh với công nhân người dân tộc thiểu số. Ảnh: T.T

Công ty 74 (Binh đoàn 15) là nơi ra đời của mô hình “gắn kết hộ”. Những công nhân người Kinh kết nghĩa với công nhân người DTTS giúp đỡ nhau về kỹ thuật cạo mủ cao su, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Những kết quả mà mô hình mang lại đã được người dân và cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Ông Nguyễn Văn Hải-Công nhân Đội 15 (Công ty 74) cho hay: “Gần 20 năm trước, lúc mới vào làm công nhân cạo mủ cao su, tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa quen với thời tiết, khí hậu, phong tục tập quán nơi đây. Tuy nhiên, được dân làng, các công nhân đi trước hướng dẫn, giúp đỡ nên tôi cũng quen dần”. Cũng từ suy nghĩ ấy, khi Công ty xây dựng mô hình “gắn kết hộ”, anh Hải đã nhận kết nghĩa với hộ anh Rơ Lan Binh (làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai).

Cũng như nhiều người DTTS khác, anh Binh có nhiều đất sản xuất nhưng không biết làm kinh tế dẫn đến đất bị bỏ hoang. Thấy vậy, anh Hải đã hướng dẫn vợ chồng anh Binh cách chăm sóc vườn cây nhận khoán để có sản lượng mủ cao nhất. Khi về nhà, anh Hải lại hướng dẫn anh Binh chăm sóc vườn cây công nghiệp, cải tạo vườn nhà để trồng rau, chăn nuôi. Mỗi lần gia đình anh Hải có công việc, anh Binh cũng đến giúp đỡ.

Từ khi được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của anh Hải, đời sống gia đình anh Binh đã thay đổi đáng kể. Đến nay, vợ chồng anh Binh đã có hơn 6 ha điều, 3 ha cao su và 1,5 ha cà phê. “Mình biết ơn gia đình anh Hải nhiều lắm. Bọn mình coi nhau như anh em trong nhà. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của anh Hải mà mình có được cuộc sống sung túc như hôm nay”-anh Binh tâm sự.

Cặp gắn kết hộ Trung đoàn 710 hướng dẫn cạo mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tương tự, trên vùng đất Ia Mơ (huyện Chư Prông) nơi có Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 đứng chân, mô hình “gắn kết hộ” cũng được triển khai hiệu quả. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình này, Thượng tá Nguyễn Quang Tú-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 đã dẫn đến thăm cặp hộ gắn kết là gia đình anh Lê Xuân Hùng (Đội 1) và gia đình anh Siu Phăm (làng Klăh).

Anh Hùng cho biết: Hai gia đình kết nghĩa với nhau được 15 năm rồi. Bao ngọt bùi, cay đắng, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau. Không chỉ hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi mà chúng tôi còn chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống. Còn anh Phăm thì chia sẻ: “Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của anh Hùng mà gia đình tôi đã làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, rào vườn để trồng rau, biết cách làm lúa nước”.

Từ 30 cặp hộ ban đầu, đến nay, Binh đoàn 15 đã có 4.268 cặp hộ gắn kết. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với phong tục tập quán, nếp sống của đồng bào DTTS, cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương “Dân vận khéo” của Đảng, Nhà nước.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ cho biết thêm: Nội dung “gắn kết hộ” không phải là những gì cao xa mà là những điều thiết thực, gần gũi trong cuộc sống. Thông qua công tác dân vận, hoạt động “gắn kết hộ”, Binh đoàn đã kịp thời tuyên truyền để đồng bào DTTS nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mô hình trình diễn giống lúa TBR97 tại xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) trong vụ mùa 2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đánh giá về mô hình “gắn kết hộ” trên địa bàn huyện, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-cho rằng: Đây là mô hình sáng tạo, hiệu quả nhằm cụ thể hóa phong trào “Dân vận khéo”. Huyện Chư Prông có 2 đơn vị của Binh đoàn 15 đứng chân. Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao, không chỉ thắt chặt tình đoàn kết giữa công nhân người Kinh và người DTTS mà còn giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Mô hình này cũng góp phần vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp các đơn vị nắm chắc địa bàn, nắm dân, từ đó có những nguồn tin quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mo-hinh-gan-ket-ho-thiet-thuc-nhan-van-post273852.html