Một phút bất cẩn, cả đời ân hận

Thời gian vừa qua, các vụ tai nạn, va chạm giao thông nghiêm trọng do lái xe uống rượu, bia gây ra khiến dư luận hoang mang, phẫn nộ. Nhiều bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội đã được TAND các cấp tuyên, nhằm răn đe người phạm tội và lấy đó là bài học làm gương cho người khác. Tuy nhiên, sau mỗi bản án xét xử về vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn là những câu chuyện day dứt của bị hại, bị cáo và người thân của họ…

Một phiên tòa xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Ảnh: HN

Đằng sau những vụ tai nạn giao thông đều để lại hậu quả khôn lường, nhẹ thì tổn thương về mặt tinh thần, sức khỏe, nặng là những cái chết thảm khốc, những bi kịch khó có thể bù đắp của mỗi gia đình... Người gây ra tai nạn cũng lâm vào cảnh khốn đốn, khi vừa phải chịu mức hình phạt của pháp luật, vừa phải chịu sự phán xét của lương tâm vì sự bất cẩn của mình khiến người khác hoặc bị thương tật hoặc mất mạng. Rồi gánh nặng kinh tế sau những vụ tai nạn đó cũng khiến nhiều người “tan gia bại sản”.

Vào thời điểm cuối năm 2019, khi mọi người đang náo nức chuẩn bị cho một năm mới thì anh Lê Thế H. phải ra hầu tòa. Không chỉ anh H. rối bời tâm trạng mà nếp sinh hoạt của gia đình anh cũng bị đảo lộn kể từ đêm anh điều khiển phương tiện giao thông tự gây tai nạn khiến người bạn ngồi sau ngã tử vong. Tòa cấp sơ thẩm tuyên H. 15 tháng tù. Cho rằng mức án đó nặng so với hành vi phạm tội của mình, H. đã kháng cáo. Bị cáo với bị hại chẳng phải ai xa lạ mà là bạn bè của nhau, vì thế người đến dự phiên tòa đều là bạn bè, người thân của hai bên.

Bị cáo khai trước tòa, buổi tối ngày ngày 25/5/2019, sau khi gặp bạn bè uống rượu tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, H. điều khiển xe mô tô cùng nhóm bạn hướng về xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Nạn nhân cũng nằm trong số nhóm bạn này và đi nhờ xe của H. để về nhà. Cả nhóm vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Khi đến km9 + 960 đường 49C (đoạn đường gần cầu Mỹ Lộc) thuộc địa phận thôn Quảng Lượng, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, H. quan sát thấy hướng ngược chiều không có phương tiện lưu thông nên điều khiển xe chạy sang làn đường bên trái và vượt lên để nói chuyện với một người bạn đang lưu thông phía trước với tốc độ khoảng 40-50km/h. Đây là khu vực có biển cảnh báo công trường đang thi công và rào chắn cảnh báo nguy hiểm đặt ở phía bên trái đường. Do đi không đúng làn đường, không làm chủ được tốc độ nên phương tiện do H. điều khiển va vào biển cảnh cáo công trường đang thi công.

Tai nạn khiến H. và người ngồi trên xe ngã văng xuống đường. H. chỉ xây xát nhẹ trong khi người đi cùng bị nặng hơn nên cả nhóm đưa nạn nhân vào bệnh viện tuyến khu vực. Tại đây, bệnh viện có đề nghị chuyển tuyến nhưng lúc này nạn nhân nói buồn ngủ và muốn về nhà. Chủ quan, cả nhóm đưa bạn về nhà của người quen để ngủ rồi đi uống tiếp. Không ngờ, đến sáng hôm sau thì nạn nhân tử vong. Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Trị xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do chấn thương sọ não. Cơ chế hình thành thương tích trên tử thi nạn nhân là do va chạm với vật tày. H. sau đó bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Sau bản án sơ thẩm, H. đã có đơn kháng cáo xin giảm án, trình bày nhiều lý do, trong đó có lý do là lao động chính trong gia đình. Hai ngày trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, phía đại diện hợp pháp của bị hại có đơn xem xét cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường về dân sự vì gia cảnh H. rất khó khăn.

Trước đó, trong suy nghĩ của H. và người thân trong gia đình cứ nghĩ rằng việc xảy ra tai nạn là ngoài ý muốn chứ không phải là chủ ý của H., nên họ cứ lấn cấn về bản án của tòa tuyên. Tuy nhiên, tòa xem xét hành vi dựa theo các quy định của pháp luật. Rõ ràng việc uống rượu rồi điều khiển phương tiện giao thông khiến H. không thể quan sát đường và xử lý tình huống khẩn cấp. Nhưng cấp phúc thẩm cũng đã xem xét về kết quả kiểm tra nồng độ cồn đối với H. để quyết định không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng đối với bị cáo. Theo kết quả đo nồng độ cồn đối với H. vào 11 giờ 19 phút ngày 26/5/ 2019 là 0,275mg/l nhưng quá trình điều tra xác định, sau khi đưa nạn nhân về nhà người quen ngủ lại, H. cùng 3 người bạn đến một nhà dân khác uống rượu nên việc đo nồng độ vào thời điểm đó không có cơ sở xem xét áp dụng tình tiết định khung tăng nặng.

Nỗi đau mất con không dễ gì nguôi ngoai được. Cha mẹ bị hại tuy không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng qua lá đơn của họ gửi HĐXX xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho H. cho thấy tấm lòng cảm thông, độ lượng của họ. Chính lá đơn đó là tình tiết mới phát sinh, có thể xem xét áp dụng để chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, tuyên H. 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng. Mặc dù đây là kết quả mà H. và gia đình mong đợi nhưng rời tòa mà H. vẫn nặng trĩu nỗi buồn. Phiên tòa hôm nay lần nữa khơi dậy trong anh nỗi đau, sự mất mát do sự bất cẩn của mình gây ra đối với nạn nhân và người thân. Sự mất mát này không dễ gì bù đắp được.

Cách đây không lâu, một phiên tòa tương tự cũng được đưa ra xét xử. Bị cáo là một thanh niên, uống rượu rồi điều khiển xe mô tô trên đường làng. Do đi với vận tốc cao, lại thiếu quan sát lao lên một đóng cát ven đường khiến cả người và xe trượt dài trên đường. Không may lúc đó có một cụ ông từ trong ngõ đi ra, bị xe máy của bị cáo (đang trên đà trượt) tông phải dẫn đến tử vong. Bản án được tòa tuyên sau đó hợp tình, hợp lý nhưng sự ám ảnh khi tước đi mạng sống của người khác do sự bất cẩn của mình khiến bị cáo day dứt mãi. Hay có một gia đình, chỉ vì con uống rượu gây tai nạn chấn thương sọ não đối với người khác, mà phải “tan gia bại sản” vì nuôi bị hại cả tháng trời trong bệnh viện. Người mẹ mới ngoài 50 mà lưng đã còng. Bà nói, kể từ ngày con gây tai nạn, vợ chồng bà đêm nào cũng khóc. Tiền bồi thường cộng thêm chi phí chữa trị vết thương cho bị hại đã đẩy gia đình bà vào cảnh nợ giăng tứ phía. Nhà có gì bán nấy để lo thuốc thang cho bệnh nhân nằm ở tầng 6 của Bệnh viện Trung ương Huế, cứu người bị con mình gây tai nạn đã đành nhưng cũng để cứu con mình, hy vọng nhà người ta có đơn xin giảm án cho con.

Một thẩm phán từng tâm sự: Hầu như tháng nào tòa cũng xử án tai nạn giao thông, chứng kiến những cảnh thương tâm ai cũng đau lòng. Các bị cáo đều rất hối hận, tìm cách khắc phục hậu quả nhưng đã muộn. Tai nạn giao thông là điều không ai muốn, nhưng thảm họa này có thể tránh được, tính mạng bao người có thể cứu được nếu như ai cũng tuân thủ Luật giao thông đường bộ, khi điều khiển xe không nên dùng rượu bia hoặc phóng nhanh, vượt ẩu...

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=146951