'Nghe dân nói - Làm dân tin' ở Cầu Kè

Cách làm 'Nghe dân nói - Làm dân tin' của Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè triển khai từ tháng 8/2022, qua gần 01 năm thực hiện đã phát huy hiệu quả, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện Cầu Kè đồng thuận, đánh giá cao.

Đường nội đồng ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè thống nhất xây dựng cách làm “Nghe dân nói - Làm dân tin” để triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện trong toàn huyện. Để thực hiện cách làm hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè ban hành chương trình khung của “01 ngày vì dân”, quy định rõ các hoạt động “Nghe dân nói - Làm dân tin”, đối tượng, thành phần tham gia...

Mục đích nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, điều hành bằng hành động, việc làm cụ thể; nói ít, làm nhiều, nói đi đôi với làm; gần dân, hiểu dân, đồng cảm với dân và giải quyết có hiệu quả, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao niềm tin, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương; phát huy tình làng, nghĩa xóm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; động viên người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự, XDNTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Cách làm “Nghe dân nói - Làm dân tin” được thực hiện trong 01 ngày/tháng, buổi sáng thực hiện nội dung “Nghe dân nói”, buổi chiều thực hiện nội dung “Làm dân tin”. Thời gian thực hiện thống nhất trong toàn huyện vào ngày làm việc hành chính đầu tiên của từng tháng (nếu ngày 01 đầu tháng trùng với ngày nghỉ thì chuyển sang ngày tiếp theo), buổi sáng bắt đầu từ 07 giờ, buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ. Thành phần tham gia thực hiện gồm: Thường trực Huyện ủy (Bí thư Huyện ủy, các Phó Bí thư Huyện ủy), Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn; cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp, khóm.

Hàng tháng, Thường trực Huyện ủy chọn 01 xã, thị trấn; Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo địa bàn chọn 01 ấp, khóm; Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn chọn 01 ấp, khóm tổ chức “Nghe dân nói” và “Làm dân tin”, đối với những địa bàn trọng điểm, phức tạp, khó khăn có thể chọn thực hiện trong 02 tháng liên tục.

Nội dung thực hiện, đối với cấp huyện, cuối tháng Thường trực Huyện ủy trao đổi, thống nhất chọn 01 xã, thị trấn để thực hiện nội dung “Nghe dân nói”, Văn phòng Huyện ủy thông báo lịch công tác và phối hợp Đảng ủy xã, thị trấn chuẩn bị các nội dung làm việc của Thường trực Huyện ủy. Đối với nội dung “Làm dân tin” được thực hiện theo lịch công tác riêng của Thường trực Huyện ủy, không thông báo trước cho các Đảng ủy xã, thị trấn. Đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo địa bàn, phối hợp với Đảng ủy xã, thị trấn (địa bàn được phân công phụ trách) để thực hiện nội dung “Nghe dân nói” cùng với cấp xã. Phối hợp các đồng chí Huyện ủy viên được phân công sinh hoạt chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở cùng tham gia, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân được phản ánh qua buổi “Nghe dân nói”.

Đối với cấp xã, buổi sáng thực hiện nội dung “Nghe dân nói”, gồm các hoạt động: từ 07 giờ đến 07 giờ 30 phút, tổ chức chào cờ tại trụ sở Đảng ủy cấp xã. Đồng chí Bí thư Đảng ủy trực tiếp đánh giá ngắn gọn kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng và định hướng nhiệm vụ trọng tâm; biểu dương những đồng chí làm tốt, nhắc nhở những đồng chí còn hạn chế, khuyết điểm. Tổ chức đóng góp quỹ hỗ trợ đối tượng chính sách gặp khó khăn, người nghèo, người già neo đơn, học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn... Mức đóng góp tùy vào tinh thần tự nguyện của từng cá nhân, công khai nguồn thu và nguồn chi.

Từ 08 giờ đến 11 giờ thực hiện hoạt động “Nghe dân nói”, thành phần tham gia gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, công chức Văn hóa - Xã hội, Địa chính - Môi trường, Tư pháp - Hộ tịch, Bí thư chi bộ và Trưởng Ban Nhân dân ấp, khóm. Người dân được thông báo trước lịch làm việc, được phản ánh ý kiến, trình bày những vấn đề khó khăn, bức xúc... trong buổi “Nghe dân nói”, không giới hạn nội dung trình bày. Các bộ phận chuyên môn ghi chép đầy đủ, trung thực các nội dung người dân phản ánh theo mẫu biểu quy định. Khi hết ý kiến phản ánh, lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã thông báo ngắn gọn một số nội dung, các hoạt động “Nghe dân nói - Làm dân tin” tháng trước, những vấn đề đã giải quyết xong, những vấn đề đang tiếp tục giải quyết, những công việc đã hỗ trợ để người dân biết, nắm... Tiếp thu, giải quyết ngay những vấn đề người dân phản ánh thuộc thẩm quyền; tiếp thu những nội dung vượt thẩm quyền hoặc cần thời gian thẩm tra, xác minh; hẹn thời gian, địa điểm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Buổi chiều tập trung thực hiện các nội dung “Làm dân tin”. Từ 13 giờ - 14 giờ, giải quyết công việc hành chính cơ quan, ưu tiên những công việc quan trọng, khẩn cấp. Từ 14 giờ - 15 giờ, lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã đến nhà, thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ đối tượng chính sách gặp khó khăn, người nghèo, người già neo đơn, học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn... chỉ tiêu mỗi tháng 02 trường hợp/xã. Nguồn kinh phí tặng quà được sử dụng từ nguồn vận động trong buổi chào cờ hoặc nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.

Cùng với đó, khảo sát, nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của người dân, trên cơ sở đó, định hướng hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn. Việc hỗ trợ có thể thực hiện từ nguồn xã hội hóa, sự hỗ trợ của người thân, họ hàng; lập các dự án giải quyết việc làm từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại địa phương hoặc xuất khẩu lao động...

Từ 15 giờ đến 16 giờ 30 phút, tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp dân tại nhà hộ dân được đến thăm, như: vệ sinh sân vườn, chuồng trại, trồng hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; trồng hàng rào xanh; trồng rau, cây ăn trái; hỗ trợ thu hoạch nông sản... hoặc tổ chức 01 buổi lao động tình nguyện trên địa bàn ấp, khóm. Thành phần tham dự gồm những đồng chí đến thăm hỏi, động viên gia đình và khoảng 20 đoàn viên, hội viên các đoàn thể ấp, khóm.

Đồng chí Thạch Buôl Nát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè cho biết: thực hiện “Nghe dân nói - Làm dân tin” là điều kiện để lãnh đạo các cấp gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng trước lãnh đạo Đảng, chính quyền. Lãnh đạo trực tiếp lắng nghe, tiếp thu những đóng góp của người dân để có những chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị của Nhân dân từ cơ sở, hạn chế các kiến nghị vượt cấp.

Trong thực hiện phát sinh một số vấn đề bức xúc của người dân thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã chủ động xác định những vấn đề cụ thể, tiến hành trao đổi để trực tiếp giải quyết, hướng dẫn cho người dân ngay trong buổi “Nghe dân nói”, từ đó, những vụ việc kéo dài, nhất là trong lĩnh vực đất đai được giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua cuộc gặp gỡ này, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, huy động được nguồn lực trong Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh tại các địa phương, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của huyện.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải nhấn mạnh: chúng tôi chỉ đạo một số vấn đề phải chấp hành nghiêm. Thứ nhất, nội dung trả lời cho người dân phải chính xác, đúng quy định, có lý, có tình, trường hợp chưa nắm chắc vấn đề thì tiếp thu, hẹn trả lời vào thời gian khác; tuyệt đối không để xảy ra tranh chấp trong lúc nghe dân nói, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thứ hai, việc hỗ trợ dân là hoạt động tình nguyện, lực lượng hỗ trợ phải được thông báo trước 01 ngày về thời gian, địa điểm, công việc thực hiện nên khi đi phải mang theo đồ dùng cá nhân, công cụ lao động, nhiệt tình với công việc, tuyệt đối không được gây phiền hà đến Nhân dân.

Có thể nói, thành công nhất của cách làm này là nâng cao được tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; giải tỏa, giải quyết được khá nhiều vấn đề bức xúc của người dân; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy được tình làng nghĩa xóm.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/thoi-su/nghe-dan-noi-lam-dan-tin-o-cau-ke-28895.html