Ngộ độc lá ngón cướp đi mạng sống của nhiều người con dân tộc thiểu số

Ở những vùng dân tộc thiểu số, tình trạng ngộ độ do ăn nhầm phải lá ngón rất hay gặp phải. Thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong sau khi ăn lá ngón mà không được cấp cứu kịp thời.

Tử vong vì ăn nhầm phải lá ngón

Thời gian qua, ở nước ta đã liên tiếp ghi nhận những trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm loại lá này. Cụ thể, cách đây không lâu, 2 cháu nhỏ ở xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã tử vong sau khi ăn nhầm lá ngón. Trước đó, 2 cháu là M.V.L. (SN 2018) và M.T.X. (SN 2019) đã hái một loại lá về ăn nhưng không rõ loại lá gì. Sau ăn khoảng 1 giờ các cháu quay về nhà chơi, sau đó bất tỉnh. Bố mẹ gọi không thấy trả lời, khi vào đã thấy các con tử vong.

Tại Trường PTDT bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La, 2 học sinh lớp 8 trong giờ nghỉ trưa sau khi lên đồi phía sau trường chơi cũng đã ăn nhầm lá ngón. Sau khi ăn, các em có biểu hiện bất thường gồm đau đầu, chóng mặt, được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, hồi sức. Tuy nhiên, vì độc trong lá ngón đã nhấp thụ nhanh vào cơ thể nên 1 em không qua khỏi.

Độc chất của lá ngón có thể dẫn tới tử vong rất nhanh. Ảnh TL

Trước đó, 7 người ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương nhập viện cấp cứu do sử dụng nước được đun từ thân cây có độc chất của cây lá ngón. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã nhận được 2 mẫu thân cây (không rõ loại) trong đó có 1 mẫu còn tươi chưa qua xử lý và 1 mẫu thân cây đã được nấu lấy nước do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An thu thập qua quá trình điều tra. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện Gelsamin và Koumine trong 2 mẫu thân cây này, đây là các chất thuộc nhóm Alkaloid thường có trong cây lá ngón.

Nhóm người này vào làm việc trong rừng. Trong gần 1 tuần làm việc, cả nhóm có lấy thân cây (không rõ loại) cắt nhỏ đun với nước để uống và không có triệu chứng lạ. Đến một hôm, cả nhóm 8 người ăn trưa và có uống nước được đun nấu từ thân cây không rõ loại cắt nhỏ và xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Sau khi xuất hiện triệu chứng, 8 người đã được đưa vào Trạm Y tế xã Thái Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) cấp cứu rồi chuyển lên BVĐK huyện Đô Lương. rửa dạ dày, truyền dịch kịp thời. Do bị ngộ độc nặng, sức khỏe yếu, các bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục điều trị. Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất/rối loạn điện giải, xử trí bằng bù dịch, bù điện giải và theo dõi sát. May mắn cấp cứu kịp thời, các bệnh nhân đã qua nguy kịch.

Đẩy lùi ngộ độc lá ngón, ngộ độc thực phẩm

Thực tế, trong tự nhiên tồn tại nhiều loại cây chứa hàm lượng độc tố lớn mà chúng ta không thể nhận biết, phân biệt. Theo các chuyên gia y tế, độc tố của lá ngón khi vào cơ thể dễ làm suy hô hấp, gây tổn thương nặng các bộ phận. Nếu không phát hiện và cấp cứu nhanh, nguy cơ tử vong do ngộ độc lá ngón rất cao.

Lá ngón được mọc tự nhiên nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng năm, số ca ngộ độc do ăn nhầm lá ngón bị tử vong cũng gặp nhiều ở các tỉnh thành này. Những vụ ngộ độc lá ngón tử vong cho thấy sự bất cẩn, thiếu hiểu biết khi sử dụng bừa bãi cây rừng làm thức ăn. Đặc biệt là ở các vùng dân tộc, nhận biết của người dân còn hạn chế.

Triệu chứng ngộ độc xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn hoặc uống nước luộc, nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả từ vài phút tới 30 phút với biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động cơ toàn thân, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp dẫn đến ngừng tim, nếu ngộ độc nặng có thể thêm triệu chứng co giật, hôn mê sâu, rối loạn thân nhiệt.

Sau những vụ ngộ độc lá ngón xảy ra, nhiều địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động trong lán trại, rừng núi về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng cây lá ngón và các thực vật, động vật không rõ loại, không rõ công dụng để chế biến hoặc dùng trực tiếp. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tại Điện Biên Đông, Điện Biên - nơi thường xuyên xảy ra các vụ tử vong vì ngộ độc lá ngón, nhất là trong đồng bào dân tộc Mông cũng đã có nhiều giải pháp. Phát huy vai trò của mình, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền không tự tử bằng lá ngón cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Ngoài ra, phát động các phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư văn hóa; xóa bỏ các hủ tục, xây dựng mô hình "Dân vận khéo"; nêu gương người tốt việc tốt để từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại các xã, thị trấn còn tích cực phát huy vai trò người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc vận động nhân dân nói không với lá ngón…

Những buổi truyền thông về an toàn thực phẩm cho bà con được triển khai. Bà con ngoài việc được hướng dẫn nhận biết, phòng tránh lá ngón còn được hướng dẫn thêm cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên khác như cóc; truyền thông về tác hại của việc lạm dụng rượu và phòng, chống ngộ độc rượu; hướng dẫn cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm; tuyên truyền người dân bỏ một số hành vi, thói quen ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm như ăn thực phẩm ôi thiu, uống nước chưa được đun sôi…

Hà My

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngo-doc-la-ngon-cuop-di-mang-song-cua-nhieu-nguoi-con-dan-toc-thieu-so-169230926205202576.htm