Nhà vườn xuất bán hoa Tết

Vườn quất ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) ra trái sai đúng dịp Tết. Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày đầu tháng Chạp, thương lái các nơi đến vườn hoa, cây kiểng trên địa bàn TP Tuy Hòa mua hoa Tết. Có người đặt tiền cọc, có người trả trước 2/3 số tiền. Năm nay, người trồng hoa vui mừng vì thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết.

Thương lái đặt cọc mua cúc, quất

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, diện tích hoa, cây cảnh toàn thành phố là 220ha; cây cảnh trồng chủ lực là cúc, quất, mai. Chỉ tính riêng hoa cúc, nông dân trồng 65ha, tương đương 130.000 chậu.

Đang tưới nước cho hoa cúc, ông Nguyễn Văn Tùng ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), cho hay: Tôi trồng 300 chậu cúc đại đóa và pha lê. Hôm qua, thương lái trả 200.000-400.000 đồng/chậu; thấy được giá tôi bán và họ đã đặt tiền cọc. Với nụ hiện có, đến Tết, cúc tôi trồng sẽ nở bông to bằng cái chén ăn cơm, đáp ứng nhu cầu của người chơi.

Còn bà Bùi Thị Hằng cũng ở xã Bình Kiến, chia sẻ: Trồng cúc giống như “đánh bạc với trời” vì nếu cúc không nở hoa đúng dịp Tết thì phải nhổ bỏ lấy chậu, chứ không thể nuôi gốc tiếp năm sau như mai, quất. Năm nay thời tiết thuận lợi, cúc nở hoa đúng dịp Tết. Tôi trồng 600 chậu, thương lái đến mua 250.000 đồng/chậu và trả tiền đủ. Họ mua xong gửi mình tưới giúp, công việc làm ăn nhiều năm, mình cố gắng chăm sóc chu toàn.

Không chỉ xã Bình Kiến mà nhiều nhà vườn trồng cúc ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cũng được thương lái đến đặt tiền cọc và chờ ngày chở đi tiêu thụ. Vườn cúc của gia đình ông Trần Ngọc Long ở phường 9 có hơn 100 chậu cúc đại đóa ra nụ đều, có đường kính 1,2m. Tư thương đã đặt mua toàn bộ số chậu hoa này với giá từ 300.000-600.000 đồng. Ông Long vui mừng nói: “Chi phí trồng hoa Tết năm nay của nhà vườn này tăng thêm khoảng 10% so với năm ngoái do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, do giá hoa Tết cũng tăng nên người trồng tăng thu nhập. Điều mà người trồng hoa vui là khi nhiều vườn hoa bắt đầu bung nụ nở hoa, tư thương đã đến đặt mua. Những chậu cúc dáng đẹp, thương lái mua từ 1-1,2 triệu đồng/chậu”.

Tại các vườn trồng quất ở xã Bình Kiến, người trồng cũng đang tất bật cho vụ quất Tết. Quất ở đây có dáng đẹp, trái sai hơn mọi năm nên nhiều tư thương đã đến đặt mua. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Bình Kiến, có 2 vườn trồng quất cảnh, một vườn ở gần đường Mậu Thân, vườn còn lại trồng xung quanh nhà cách đường 300m. Mới đây, bà Hiền bán 200 chậu, thu 60 triệu đồng. “Tôi bán vườn quất cạnh đường với giá 300.000 đồng/chậu, loại này cao từ 0,6-0,8m. Còn quất trồng trong nhà cao 1,5m trở lên, trái sai thì giá 800.000-2 triệu đồng/chậu (tùy theo gốc quất to nhỏ). Vừa rồi thương lái lựa 100 chậu, đặt tiền cọc với giá 1 triệu đồng/chậu.

Ông Đoàn Văn Tấn, một thương lái ở Đắk Lắk đi mua quất cho biết: Tôi đến đây dạo qua 2 vườn quất hỏi thì họ đều đã xuất bán, đến vườn thứ 3 mới mua được. Ba năm nay, năm nào tôi cũng đến TP Tuy Hòa mua quất cảnh, có nhiều người quen, nhưng đối với quất cảnh không dặn trước được vì được giá là nhà vườn bán.

Tất bật lặt lá cho mai

Tại các vườn mai ở xã Bình Kiến, phường 9, nhà vườn đang tất bật lặt lá mai bán Tết. Ông Đinh Văn Long, người trồng mai ở phường 9 cho hay, mỗi dịp Tết đến xuân về, thương lái các nơi lại đến đây mua mai Tết. Đối với mai giá vô chừng, từ 2-7 triệu đồng/chậu (tùy theo gốc). Thế nhưng trồng mai Tết ngoài lặt lá để mai ra hoa đúng dịp Tết thì trong quá trình nuôi gốc, người trồng phải chăm sóc làm sao để mai có sức ra hoa nhiều mới quan trọng. Người không biết cách nuôi cây thì dù gốc mai to nhưng ra lưa thưa vài hoa thì mất đẹp, giá trị thấp. Người chơi mai Tết là chơi mai bông chứ không phải mai lá, vậy nên dù lặt lá đúng ngày đúng tháng nhưng mai ít bông thì khó bán.

Theo bà Lê Kim Thoa công tác tại Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa, người trồng mai phải tính toán kỹ thời gian lặt lá mai, việc lặt lá mai ngày nào, không ai dám khẳng định trước mà phải căn cứ vào tình trạng nụ hoa nở đầy đặn hay không và còn tùy thuộc khí hậu nóng, lạnh rồi mới quyết định ngày lặt lá mai. Nụ nhỏ lặt sớm, nụ lớn lặt trễ.

Trong thời gian nuôi gốc, nếu thấy cây mai ở 3 trường hợp sau thì cần phải xử lý. Thứ nhất, nếu lá còn xanh, nụ còn nhỏ nên tưới thúc phân NPK (hàm lượng 15-30-15) để kích thích ra hoa, pha với liều lượng 10g/bình 8 lít nước tưới đều từ ngọn đến rễ, tuần tưới 1-2 lần. Thứ hai, nếu thấy lá đã vàng, nụ khá to thì có thể ra hoa sớm, phải tưới phân bón lá, loại NPK (30-10-10) pha 10g/bình 8 lít nước, để dưỡng lá cho xanh trở lại, không cho lá rụng và không cho hoa nở sớm. Thứ ba, nếu thấy lá đã già nhưng vẫn còn xanh, nụ hoa lớn vừa là rất lý tưởng, chỉ việc tưới bình thường vào sáng sớm và chiều mát để giữ cho mai đừng vàng úa, không nên tưới thúc phân. Nếu cây mai vận chuyển ra Bắc thì nên lặt sớm hơn các cây mai tại chỗ khoảng 7-8 ngày (thời tiết năm nay mai tại chỗ lặt lá đầu tháng Chạp), nếu cây mai vận chuyển vào Nam thì nên lặt chậm hơn.

“Sau khi lặt lá mai xong cần phun thuốc sâu vì khi đó cây mai chuẩn bị nứt bông xanh, lá xanh, chồi xanh, sâu sẽ xuất hiện và gây hại nhiều. Bên cạnh đó, khi lặt hết lá mai người dân nên ngưng tưới nước một vài ngày, sau đó tiếp tục tưới nước trở lại bình thường để cây ra hoa tốt. Điều hết sức quan trọng là khi cây mai phát triển bình thường thì không được dùng phân bón tưới vào gốc, hoặc phun vào nụ hoa. Bởi lúc này cây mai không còn lá, nên việc bón phân sẽ làm cho cây dễ bị ngộ độc. Năm nay thời tiết thuận lợi, người trồng mai có cơ hội chủ động cho cây mai trổ nhiều hoa đẹp đúng vào dịp Tết Nguyên đán”, bà Hoa nói.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/233396/nha-vuon-xuat-ban-hoa-tet.html