Những dấu ấn khoa học - công nghệ nổi bật nhất thế giới năm 2021

Năm 2021, các nhà khoa học trên thế giới đã có một số dấu ấn khoa học - công nghệ nổi bật. Những thành tựu này góp phần thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người.

1. Các tác phẩm nghệ thuật NFT (Non-Fungible Token) nở rộ. Trong năm 2021, các tác phẩm nghệ thuật dạng NFT (vật phẩm ảo do công nghệ blockchain chứng thực bằng chữ ký số, không thể sao chép hay làm nhái) trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là những yêu thích khoa học - công nghệ.

Một trong những tác phẩm được nhiều người biết đến nhất là bức tranh Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple. Tác phẩm được bán với giá hơn 69 triệu USD (khoảng 1.600 tỉ đồng) trong phiên đấu giá hồi tháng 3/2021. Theo đó, đây là tác phẩm nghệ thuật NFT đắt nhất thế giới.

Sau đó, hàng loạt NFT nghệ thuật giá triệu USD khác cũng được giao dịch. Giới chuyên gia nhận định, xu hướng metaverse - được cho là kỷ nguyên tiếp theo của Internet ngày càng phát triển. Vì vậy, nhiều người bắt đầu đổ tiền đầu tư và thu mua các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT.

2. Cuộc đua làm chủ công nghệ máy tính lượng tử. Năm 2021 chứng kiến nhiểu công ty ở các nước trên thế giới như Google, IBM... nghiên cứu những ứng dụng của công nghệ lượng tử.

Trong đó, máy tính lượng tử có ưu điểm lớn là các phép toán mô phỏng hỗ trợ thí nghiệm hóa học. Điều này có thể dẫn tới những đột phá về vật liệu và y dược, cũng như cắt giảm đáng kể thời gian phát triển sản phẩm.

Theo các chuyên gia, công nghệ lượng tử thể hiện rất tốt trong tính toán giải pháp tối ưu khi được cung cấp lượng lớn dữ liệu và phương án lựa chọn. Việc sử dụng công nghệ lượng tử với trí tuệ nhân tạo (AI) cũng nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Một dự báo chỉ ra máy tính lượng tử có thể tạo ra giá trị hàng năm tương đương 10 tỷ USD vào năm 2030 và tăng lên tới 850 tỷ USD vào năm 2040.

3. Tạo ra robot có thể sinh sản. Vào tháng 11 vừa qua, các nhà khoa học phát triển xenobot tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Wyss của Đại học Harvard cho biết xenobot có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở thực vật và động vật.

Xenobot được hình thành từ các tế bào gốc của loài ếch có vuốt Châu Phi (Xenopus laevis). Nó rộng chưa đến 1 milimét và được giới thiệu lần đầu tiên là vào năm 2020. Các thí nghiệm cho thấy chúng có thể di chuyển, làm việc theo nhóm và tự chữa lành.

Nhóm nghiên cứu phát hiện các xenobot ban đầu có hình cầu và được tạo ra từ khoảng 3.000 tế bào, có thể nhân bản. Sau nhiều thí nghiệm cùng với ứng dụng AI, các chuyên gia xác định xenobot có thể tìm thấy các tế bào gốc cực nhỏ trong một đĩa petri, thu thập hàng trăm tế bào trong miệng. Sau vài ngày, cụm tế bào trên trở thành xenobot mới.

Từ đây, các chuyên gia nhận định sự kết hợp giữa sinh học phân tử, xenobot và trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng trong tương lai khi giải quyết các vấn đề về môi trường như thu thập vi nhựa trong đại dương, kiểm tra hệ thống rễ hay y học tái tạo.

Mời độc giả xem video: Nhiều tài xế công nghệ phản đối tăng chiết khấu, Grab lên tiếng. Nguồn: VTV24.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-dau-an-khoa-hoc-cong-nghe-noi-bat-nhat-the-gioi-nam-2021-1640339.html