Phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm khi sửa đổi Luật Thủ đô

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện trên các lĩnh vực nhưng vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm.

Sáng 20-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự phiên họp.

Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thảo luận.

Bảo đảm mục tiêu phát triển Thủ đô ngang tầm quốc tế

Thảo luận về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh dự thảo luật, chính sách về tổ chức chính quyền, về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư…

“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển chính quyền đô thị trung tâm của cả nước và hệ thống đô thị vệ tinh lân cận, giúp Thủ đô vận hành linh hoạt, nhanh nhạy, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng để có thể huy động nguồn lực đầu tư, tăng tính hội nhập, tạo sự bứt phá nhưng cũng bảo đảm bảo tồn mạch văn hiến ngàn năm”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời nhất trí việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong đô thị, trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Khẳng định Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định Thủ đô Hà Nội phải hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với các khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển, từ đó Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần bổ sung mục tiêu cạnh tranh quốc tế trong dự thảo Luật.

Muốn thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề cán bộ của Hà Nội sắp tới là phải được đào tạo, chuẩn hóa như thế nào để ngang tầm với các thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng; quyết định phân cấp, phân quyền từ trung ương đến các sở, ngành, quận, huyện, đáp ứng để nhu cầu quản trị đô thị của Thủ đô. “Cơ chế, chính sách đặc thù là phải đồng bộ, toàn diện, khắc phục ngay những cái khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu đến 2030 Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới này.

“Không phải là cạnh tranh trong nước nữa mà phải cạnh tranh khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt. Vì vậy, dự án Luật Thủ đô tiếp tục cần phải rà soát để các cái quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội nhất trí về việc thực chất đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền toàn diện nhưng lại phải trọng tâm, trọng điểm.

Về nội dung dự thảo luật, cho biết Thủ đô đã có nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển; nghiên cứu cho Hà Nội có thẩm quyền và quy định những cái khác biệt so với các nơi khác về xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; về chính sách huy động vốn, ngoài định mức đã được quy định, cần thiết phải có cơ chế huy động nguồn vốn để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thành phố...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên họp, nhất trí cao với các ý kiến thảo luận về thực chất Luật Thủ đô luật phân cấp, phân quyền, giao quyền cho thành phố những chính sách đặc thù, vượt trội, vượt trên quy định hiện hành và trên tất cả các lĩnh vực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố.

Về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trong luật đã nêu, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là cái quy chuẩn, tiêu chuẩn cho quy hoạch, cho xây dựng cần giao được Thủ đô quyết định. “Qua vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân vừa qua thì thấy vô cùng bất cập”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói. Vấn đề di dời cơ sở ô nhiễm y tế, trường học ra khỏi nội đô, đề nghị giao cho thành phố bỏ tiền ngân sách và thực hiện theo quy hoạch; cơ chế nữa là hỗ trợ cho các cơ quan trung ương di chuyển trụ sở, cải tạo trụ sở cũng nên thực hiện bằng ngân sách thành phố.

Đối với lĩnh vực đầu tư, Bí thư Thành ủy cho rằng không nên quy định tối đa thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Theo quy định thì dự án trên 10.000 nghìn tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội, mất nhiều thời gian và thủ tục. Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị cần nương theo quy hoạch rồi giao cho thành phố thực hiện các dự án. Nhấn mạnh công tác phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố đã quyết liệt thực hiện các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn nhưng những thủ tục đi theo vẫn còn đang nằm ở các bộ, ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp.

Về phân cấp, phân quyền, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề phân cấp, phân quyền nào đã rõ ràng thì đề nghị được quy định rõ luôn trong dự thảo luật. Thành phố sẽ rà soát thêm và khẳng định, đã phân quyền, phân cấp phải đi đôi với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp tiếp thu ý kiến, bám sát cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phan-cap-phan-quyen-co-trong-tam-trong-diem-khi-sua-doi-luat-thu-do-642508.html