Quốc hội thảo luận về hai dự án Luật Đường bộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đầu giờ sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quốc hội cũng rà soát các nội dung cùng quy định tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ cho phù hợp, bảo đảm phân biệt phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về tính thống nhất với phần đất đai tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lược bỏ trong dự thảo luật các nội dung có liên quan đến Luật Đất đai; phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất bổ sung các chính sách về đất đai để phát triển công trình đường bộ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến. Về kết cấu hạ tầng đường cao tốc, đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, khoản 3, điều 47 quy định đất được Nhà nước thu hồi, đền bù xây dựng kết cấu đường cao tốc, cần phải có tính thống nhất với hệ thống luật, trong đó có Luật đất đai.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng bày tỏ thống nhất với việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ cũng như dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng, cụ thể…Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, việc xây dựng tách biệt 2 dự thảo Luật này cũng sẽ khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.

“Có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý…” đại biểu Nguyễn Hải Dũng - đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến.

Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-hai-du-an-luat-duong-bo-205076.htm