Sau pha 'quay xe' của Đức, EU hạ lệnh cấm nhập dầu của Nga, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga được EU đưa ra sau khi Đức bất ngờ thay đổi quan điểm, từ phản đối sang đồng tình, và khi giới chức các nước trong khối nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận 'nỗi đau kinh tế' với một điều kiện...

Theo đề xuất của EU, nhập khẩu dầu thô Nga sẽ giảm dần về 0 trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế như dầu diesel vào cuối năm nay. (Nguồn: Reuters)

Trong bài viết mới đây trên energymonitor.ai, tác giả Dave Keating nhận định, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tranh luận gay gắt về đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Có một sự không chắc chắn rất lớn về tác động của nó đối với châu Âu và Nga.

Sau nhiều tuần cân nhắc, ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cuối cùng đã công bố đề xuất về lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga.

Đề xuất chỉ được đưa ra sau khi Đức bất ngờ thay đổi quan điểm, từ phản đối sang đồng tình, và khi đại diện các nước thành viên EU nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận “nỗi đau kinh tế” nhưng với điều kiện lệnh cấm phải được lùi lại trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Bà von der Leyen phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu: “Chúng tôi đang đề xuất một lệnh cấm đối với dầu của Nga. Đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga, từ dầu thô đến tinh chế, bằng đường biển và đường ống.

Chúng tôi sẽ loại bỏ dầu của Nga một cách có trật tự theo cách cho phép chúng tôi và các đối tác đảm bảo các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu”.

Theo đề xuất của EU, nhập khẩu dầu thô Nga sẽ giảm dần về 0 trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế như dầu diesel vào cuối năm nay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Điều này sẽ không dễ dàng. Một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc rất lớn vào dầu của Nga, nhưng chúng tôi phải làm việc này”.

Các quốc gia trước đây phản đối lệnh cấm nhập dầu Nga giờ cũng bỏ phiếu đồng thuận, trừ Hungary và Slovakia. Hai nước cho biết sẽ phải mất vài năm để họ thay thế dầu của Nga mà không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Hungary và Slovakia nằm trong đất liền, không thể nhập khẩu dầu bằng đường biển và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đường ống dẫn khí đốt của Nga.

Trong một nỗ lực để vượt qua quyền phủ quyết, đề xuất được công bố sáng 4/5 cho phép Hungary và Slovakia được miễn trừ lệnh trừng phạt, kéo dài việc nhập dầu Nga đến cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, lệnh cấm nhập dầu Nga sẽ không chỉ ảnh hưởng tới hai quốc gia này. Nó sẽ có những tác động lớn đối với hệ thống năng lượng của châu Âu trong tương lai.

Đức chuẩn bị phương án thay thế

Ông Andrei Belyi, Giáo sư luật và chính sách năng lượng tại Đại học Đông Phần Lan và là người sáng lập công ty tư vấn năng lượng Balesene OÜ, cho biết, nhiều nước EU sẽ thấy hậu quả nghiêm trọng từ lệnh cấm vận.

Tác động của lệnh cấm sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn đối với Estonia và Latvia.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia EU đang nghiên cứu giải pháp.

Tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU ở Brussels vào ngày 3/5, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và khí hậu Robert Habeck cho biết: “Trước đây, chúng tôi phụ thuộc nhiều vào Nga (về dầu mỏ). Trước khi chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine bắt đầu, nó là 35%. Hiện nay, chúng tôi đã giảm xuống còn 12%.

Nhưng 12% dầu (được sử dụng) ở khu vực Berlin... Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia nói chung. Vì vậy, sau hai tháng làm việc, tôi có thể nói Đức không phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga”.

Ngay cả trước khi lệnh cấm được công khai, chính phủ Đức đã tuyên bố sẽ giảm nhập khẩu dầu của Nga xuống một nửa vào giữa năm và gần bằng 0 vào cuối năm nay. Do đó, nhiều công ty Đức đã quyết định không gia hạn hợp đồng với các nhà sản xuất Nga và đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp khác.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu, ngày 4/5. (Nguồn: Nghị viện châu Âu)

Hiện Đức đã nhận dầu từ ba hệ thống đường ống đi về phía Tây, Đông và Nam của đất nước. Ở phía Nam, dầu đến từ Italy; ở phía Tây và phía Bắc, nhiên liệu này xuất phát từ các bến cảng của Đức và Hà Lan ở Biển Bắc.

Tuy nhiên, phía Đông vẫn được cung cấp bởi đường ống Druzhba do công ty Transneft của Nga vận hành. Trong những tháng tới, Đức sẽ phải đưa dầu từ Tây sang Đông, và vấn đề là không có đường ống kết nối. Dầu sẽ phải đi bằng tàu thủy, có thể bằng cả đường bộ và đường sắt.

Ông Habeck nói: “Chúng tôi phải tìm một số tàu chở dầu từ Tây sang Đông. Chúng tôi phải chuẩn bị bến cảng, đường ống”.

Thách thức lớn nhất sẽ là kết nối các nhà máy lọc dầu Schwedt và Leuna ở miền Đông nước Đức, nơi xử lý tới 12 triệu tấn dầu thô mỗi năm từ đường ống Druzhba, với các nguồn cung cấp mới này từ phía Tây.

Theo nhà máy lọc dầu Schwedt, cứ 10 chiếc ô tô ở các bang Berlin, Brandenburg và Mecklenburg-Pomerania tại miền Đông nước Đức thì có tới 9 chiếc chạy bằng dầu thô đã qua xử lý của Nga.

Vấn đề phức tạp hơn nữa khi dầu thô của các nước phương Tây khác với dầu thô đến từ Siberia của Nga.

Có một câu hỏi được đặt ra là, nguồn cung dầu thay thế sẽ đến từ đâu. Giáo sư Belyi nói: “Có 3 quốc gia có thể thay thế dầu thô của Nga trong ngắn hạn: Iraq, Libya và Iran, nhưng mỗi nước đều có những vấn đề riêng. Có đáng tin cậy không khi “mở khóa” Iran để “khóa” Nga?”

Chuyên gia này nói thêm: “Trong trung hạn - một năm và hơn thế nữa - nhiều nhà cung cấp chắc chắn sẽ tham gia thị trường. Có thể bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Na Uy, Anh, Bắc Mỹ và châu Phi. Một số sẽ đến từ Azerbaijan và Kazakhstan.

Giá dầu cao đồng nghĩa với việc có thể sản xuất nhiều dầu hơn từ những khu vực khó khăn hơn. Chúng tôi chỉ cần một chút thời gian”.

Đề xuất của EU cho phép kéo dài thêm hai tháng để loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu tinh luyện vì chúng thậm chí còn khó thay thế hơn dầu thô. Gần 15% lượng dầu diesel được bán ở Đức là từ các nhà máy lọc dầu của Nga - một tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dầu thô đến từ Moscow.

Tác động toàn cầu

Cú sốc có tính hệ thống từ lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ Nga sẽ không chỉ tác động tới châu Âu.

Giáo sư Belyi cho biết: “Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày và 2,85 triệu thùng các sản phẩm dầu khác. Moscow sẵn sàng bán lượng dầu bị châu Âu từ chối cho các khu vực khác trên thế giới".

EU phụ thuộc vào dầu của Nga nhiều hơn so với Mỹ và Anh.

Chuyên gia này nói thêm, Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến việc mua lượng dầu của Nga vốn trước đây bán cho châu Âu. Trung Quốc cũng có thể mua hàng, mặc dù nước này sẽ đàm phán một mức giá rẻ hơn.

Hơn nữa, có những câu hỏi được đặt ra về việc liệu Nga có thể xuất khẩu trong trung và dài hạn sang các nước này hay không trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của các quốc gia còn hạn chế.

Ông Belyi nói: “Trong ngắn hạn, Nga có thể giảm thiểu tác động từ lệnh cấm của EU khá dễ dàng, bằng cách nhanh chóng bán hàng đến Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn là ảm đạm.

Không thể dễ dàng thoát khỏi phụ thuộc vào xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, nhưng dầu và các sản phẩm dầu chiếm tới 60% thu nhập xuất khẩu trong khi khí đốt chỉ khoảng 20%. Bộ Kinh tế Nga dự báo sản lượng khai thác dầu sẽ giảm 17%”.

Theo các nhà phân tích, người dân sẽ sớm cảm nhận được tác động từ lệnh cấm của EU. Giá năng lượng tăng vọt sẽ gây ra những bất ổn và lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát.

Phản ứng trước thông báo của bà von der Leyen, bà Sara Matthieu, thành viên của Bỉ tại Nghị viện châu Âu lưu ý: "Các lệnh trừng phạt này sẽ không chỉ gây hại cho nền kinh tế Nga mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân châu Âu”.

Bà nói: “Lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ tác động đến nhà cửa, việc làm và ví tiền của công dân EU. Chúng ta cần bảo vệ công dân của mình - chúng ta cần phản ứng xã hội mạnh mẽ đối với nỗi sợ hãi của họ".

Tuy nhiên, đạt được sự cân bằng giữa việc giúp đỡ người dân và biến lệnh cấm này trở thành một phần của việc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch có thể gặp khó khăn.

Các nhà hoạt động vì môi trường hoan nghênh đề xuất của EU nhưng phàn nàn rằng việc loại bỏ quá nhanh nguồn cung từ Nga và các chính phủ có vẻ như đang chú trọng vào việc tìm kiếm các nguồn dầu thay thế hơn là tìm cách sử dụng ít nhiên liệu hơn.

Silvia Pastorelli, một nhà vận động của mạng lưới Greenpeace cho biết: “Lệnh cấm có hiệu lực quá chậm, cho phép Tổng thống Nga Putin tìm được những khách hàng khác từ nay đến cuối năm.

Câu trả lời cho chứng nghiện dầu của châu Âu không thể chỉ đơn giản là tìm các nhà cung cấp mới mà phải giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách cắt giảm tiêu thụ dầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.

Theo các chuyên gia, đề xuất ngày hôm nay chỉ là sự khởi đầu. Châu Âu phải tìm cách biến lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng rộng lớn hơn.

Thông tin chi tiết sẽ được đưa ra vào tuần tới khi Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

(theo energymonitor.ai)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-pha-quay-xe-cua-duc-eu-ha-lenh-cam-nhap-dau-cua-nga-dieu-gi-se-xay-ra-tiep-theo-182570.html