SBIC: Từ kỳ vọng sẽ 'trục vớt con tàu đắm' Vinashin đến phá sản

Sau hơn một thập kỷ tái cơ cấu bất thành, từ việc được kỳ vọng sẽ 'trục vớt con tàu đắm' Vinashin thì nay SBIC lại như những 'ung nhọt' của nền kinh tế và được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nộp đơn yêu cầu phá sản vào quý 1/2024.

SBIC và các công ty con sẽ phá sản từ quý 1/2024

Chính phủ vừa quyết nghị thông qua Kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Theo kế hoạch này, công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 1/2024.

Đối với Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Chính phủ yêu cầu thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thời gian thực hiện sẽ căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, dự kiến triển khai từ quý 2/2024.

SBIC: Từ kỳ vọng sẽ "trục vớt con tàu đắm" Vinashin đến buộc phá sản.

Từ "cú đấm thép" của nền kinh tế đến sự lụi bại

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) là tên gọi mới sau tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Vinashin khi đó là một trong những "quả đấm thép" của nền kinh tế, từng mạnh nhất trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, với hơn 240 đơn vị thành viên, kinh doanh đa ngành.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ. Vinashin không còn bảo toàn được vốn nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn này cũng bị xử lý hình sự.

Sau đó, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu. Vinashin chính thức bị "khai tử" và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ ngày 31/10/2013.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, công ty mẹ - SBIC là Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. SBIC có 8 công ty con, gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nhiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Tại thời điểm thành lập, SBIC có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng.

SBIC thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Vinashin trước đây không tiếp tục duy trì trong cơ cấu Tổng công ty; Cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; Bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.

Như vậy, SBIC được thành lập không chỉ tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin mà còn mang theo kỳ vọng to lớn góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm vật lộn, SBIC hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, số nợ phải trả rất cao.

Đơn cử, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 6/2018, ông Nguyễn Văn Thể khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thừa nhận, việc tái cơ cấu Vinashin - SBIC thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trên thực tế, kể từ khi được “hạ cấp” từ tập đoàn xuống tổng công ty vào năm 2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh của SBIC liên tục lao dốc.

Ông Cao Thành Đồng khi đó là quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, trong năm 2018, toàn SBIC (gồm công ty mẹ và 8 nhà máy đóng tàu được giữ lại) chỉ ký được 74 sản phẩm với giá trị hợp đồng khoảng 1.682 tỷ đồng, doanh thu thực hiện khoảng 800 tỷ đồng, bằng 48% giá trị doanh thu xúc tiến trong kế hoạch năm 2018.

Điều đáng nói, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm tài chính 2018, SBIC lãi 118 tỷ đồng, nhưng nếu hạch toán đầy đủ các công nợ “thừa kế” từ thời Vinashin, Tổng công ty lỗ tới 3.624 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là lỗ do chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá) 3.401,9 tỷ đồng, lỗ do thanh lý 723,4 tỷ đồng.

Do khó khăn về tài chính, hạ tầng không có điều kiện duy tu bảo dưỡng, nhiều máy móc, thiết bị xuống cấp, uy tín bị giảm sút, việc tiếp cận các đơn hàng mới của toàn Tổng công ty ngày càng hạn chế dẫn đến "khó khăn chồng chất khó khăn".

Bên cạnh đó, các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp gặp vướng mắc, không thể triển khai khiến SBIC ngày càng sa lầy, kiệt quệ. Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan vào cuối năm 2019, lãnh đạo của SBIC thừa nhận các vấn đề vướng mắc trong thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp hầu như chưa được tháo gỡ. Kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, vì thế, vẫn giậm chân tại chỗ.

Một trong những vướng mắc lớn nhất khiến SBIC không thực hiện được việc bán doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn là hầu hết các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đều đang bị mất cân đối tài chính, âm vốn chủ sở hữu, trong khi nợ vay rất lớn.

Trước thảm trạng này, SBIC đã kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời chưa áp dụng hoặc tạm dừng các biện pháp phong tỏa tài sản, cưỡng chế hóa đơn, tính phạt chậm nộp thuế đối với Công ty mẹ SBIC và các đơn vị thành viên trong quá trình tái cơ cấu.

Đáng chú ý, SBIC đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương chưa thực hiện thu hồi đất các dự án để tìm đối tác chuyển nhượng dự án hoặc tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất để có nguồn thu trả nợ.

Hải trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC chính thức bắt đầu từ năm 2010, với dấu mốc là Kết luận số 81/KL-TW ngày 6/8/2010 của Bộ Chính trị, sau khi đơn vị này phải đối diện với nhiều khó khăn rất lớn về tài chính và bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng, khiến hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn và các tổng công ty rơi vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu Vinashin - SBIC chỉ thực sự quyết liệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 - KL/TW ngày 6/6/2013 về việc tiếp tục tái cấu đơn vị này. Để cụ thể hóa Kết luận số 65, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 26/7/2013; Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Tiếp tục tái cơ cấu Vinashin - SBIC.

Từ việc được kỳ vọng sẽ "trục vớt con tàu đắm" Vinashin thì nay SBIC lại như những "ung nhọt" của nền kinh tế sau hơn một thập kỷ tái cơ cấu bất thành.

Chính vì vậy, việc Chính phủ yêu cầu SBIC và các công ty con khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vào quý 1 và quý 2/2024 là động thái quyết liệt nhằm thu hồi và giải phóng những nguồn lực kinh tế còn lại tại SBIC và tránh để tiếp tục lãng phí thất thoát tài sản nhà nước theo thời gian.

Chủ tịch, Tổng giám đốc SBIC vi phạm đến mức phải kỷ luật

Tại kỳ họp thứ 22 (1-2/11/2022), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy SBIC.

UBKT Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Hậu quả, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các đơn vị trực thuộc và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tái cơ cấu doanh nghiệp, làm thất thoát, lãng phí lớn tiền và tài sản của nhà nước, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.

Trách nhiệm đối với các vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông: Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Cao Thành Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty và một số cá nhân.

Những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty và các cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trước đó, vào năm 2018, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội về cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin).

Theo đó, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này mới đây đã nhận được công văn của Tổng cục Hải quan về việc cưỡng chế nợ thuế đối với SBIC, bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Do đó, Tổng cục Thuế giao Cục Thuế Hà Nội khi có đề nghị của Tổng cục Hải quan thì phối hợp thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế của SBIC bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Trong năm 2016, Tổng cục Thuế từng nhiều lần có văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC. Theo đó, SBIC phải sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác không phải nguồn vốn tạm ứng hỗ trợ sản xuất và nguồn thu từ tái cơ cấu để nộp ngân sách nhà nước.

Tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ số tiền thuế hơn 133 tỷ đồng, và xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, và tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp…

Tuy nhiên, hiện SBIC đang được kiểm soát đặc biệt, nên dòng tiền cũng chuyển trực tiếp về Bộ Tài chính quản lý, nên không còn tiền để thanh toán số thuế còn nợ.

Hoàng Tư

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/sbic-tu-ky-vong-se-truc-vot-con-tau-dam-vinashin-den-pha-san-d44922.html