Thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức vi phạm chính sách dân số

Ông Phùng Huy Tuấn (Hà Nội) công tác tại trường THPT, tháng 6/2021 gia đình ông có con thứ 3 và tháng 9/2022, Đảng bộ nhà trường tiến hành kỷ luật Khiển trách, ông bị chậm lên lương 6 tháng theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên ông Tuấn thấy các trường hợp vi phạm chính sách dân số tại trường ông từ năm 2014 đến năm 2019 không bị kỷ luật hành chính và không bị chậm nâng lương. Ông Tuấn hỏi, đơn vị ông thực hiện như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định: "Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính".

Đồng thời, tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 được sửa đổi bởi Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 đã quy định cụ thể các trường hợp không vi phạm chính sách về kế hoạch hóa gia đình.

Do đó, căn cứ vào quy định nêu trên, việc xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật về đảng thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tham-quyen-xu-ly-ky-luat-vien-chuc-vi-pham-chinh-sach-dan-so-102221216151749331.htm