Tháo gỡ mua bán xe qua nhiều chủ là cần thiết

Hiện nay, còn nhiều phương tiện đã mua bán qua nhiều người nhưng không làm các thủ tục sang tên, người mua sau chỉ cầm đăng ký xe và không có bất cứ giấy tờ mua bán gì khác. Điều này gây khó khăn cho cả người chủ cũ/chủ mới lẫn cơ quan quản lý phương tiện, xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT.

Tại Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lấy ý kiến các bên liên quan, Bộ Công an đề xuất: Khi bán, cho tặng xe đến tỉnh khác, chủ xe phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số để nắm thông tin phục vụ việc quản lý xe, gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông.

Quy định này được cho là giúp nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ khi chuyển quyền sở hữu phương tiện và giúp quản lý chặt chẽ hơn về người lái. Nhiều ý kiến không tránh khỏi băn khoăn, quy định mới nếu đi vào cuộc sống có thể làm phát sinh thêm công việc, mất thời gian đi lại để làm thủ tục sang tên đổi chủ cho người mua, hoặc người được cho tặng.

Theo Dự thảo Thông tư mới, chủ xe nộp lại đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan quản lý sau khi bán, cho, tặng xe cho người khác.

Bán chiếc xe máy BKS 29L2 - 34xx đã 3 năm, anh Phạm Văn Quyết ở Thường Tín, Hà Nội bất ngờ bị CA huyện mời lên làm việc vì chiếc xe do anh đứng tên gây tai nạn rồi bỏ chạy. May mắn, anh Quyết vẫn cẩn thận giữ lại bản viết tay bàn giao xe có ghi địa chỉ của người mua xe để trình cho CQCA. “Tuy nhiên, nếu mình sang tên đổi chủ chiếc xe theo đúng thủ tục quy định luôn, thì không phải gặp rắc rối này”, anh Quyết phân trần.

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Phó đội trưởng Đội CSGT trật tự CA quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho hay, khi xe bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông hoặc gây TNGT, CQCA sẽ truy tìm theo đăng ký xe. Chủ xe sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới về mặt hành chính cũng như hình sự nếu như xe sau khi đã bán, cho, tặng không sang tên chủ mới mà chiếc xe nằm trong diện tranh chấp, khởi tố hoặc điều tra vụ việc liên quan.

Với những xe bị tạm giữ, theo quy định hiện chỉ có chủ xe đứng tên trên giấy tờ mới có quyền lấy lại xe. Sẽ rất rắc rối đối với người sử dụng xe nếu chủ xe ở xa hoặc xe sau mua, bán, cho, tặng mà không thể liên lạc được với chủ xe. “Theo quy định hiện nay, trong những trường hợp chủ phương tiện mua bán, chuyển nhượng sang tên chủ mới đều phải đến gặp chủ đứng tên trên giấy chủ đăng ký xe, để làm thủ tục mua bán xe (có công chứng), sau đó đến cơ quan CSGT để làm thủ tục sang tên. Nếu không tự tìm được chủ cũ thì không thể sang tên xe, đăng ký chủ quyền xe được”, Thiếu tá Tiệp cho biết.

Chính vì vậy, mới đây Bộ Công an đã đề xuất quy định việc giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển nhượng sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng thì được giải quyết đăng ký sang tên cho người đang sử dụng xe.

Theo Thiếu tá Tiệp, trước đây để tháo gỡ vướng mắc cho việc đăng ký xe đã chuyển nhượng qua nhiều người, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12/2013 hướng dẫn việc đăng ký xe theo thủ tục đơn giản trong khoảng thời gian từ ngày 15-4-2013 đến 31-12-2014. Sau đó, Thông tư số 15/2014 đã “gia hạn” đến ngày 31-12-2016 cho xe máy bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì sẽ được cấp đăng ký lại theo thủ tục đơn giản.

Theo đó, người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của CA cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú. Căn cứ vào hồ sơ này, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận và gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không có các khiếu nại, tranh chấp thì cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Đồng tình với đề xuất này, song luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, quá trình sang tên cho chủ mới, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, rà soát để biết đó không phải xe trộm cắp, xe tang vật vụ án. “Nên có thời hạn cho việc “gỡ vướng” này, đồng thời song song với việc cho người chủ cuối cùng đăng ký xe, thì cơ quan chức năng phải có hình thức răn đe, xử lý các xe không chính chủ. Có như thế, người dân mới chấp hành nghiêm các quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện. Đề xuất của Bộ Công an để tháo gỡ “tồn tại của lịch sử” là điều cần thiết, nếu không tháo gỡ rất khó quản lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải kiểm tra, xác định kịp thời, bắt giữ những đối tượng lợi dụng qui định này để hợp thức hóa xe gian, xe trộm, cắp, xe tang vật vụ án”, luật sư Thái cho biết.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thao-go-mua-ban-xe-qua-nhieu-chu-la-can-thiet-183042.html