Thơ Heine hòa quyện trong âm nhạc Việt

Buổi tối đó ấm cúng, cái gì cũng nhỏ xinh, từ phòng nhạc, thời lượng chương trình tới số người nghe vừa phải nhưng khá tròn trịa và nếu xét về khía cạnh văn hóa thì không nhỏ chút nào. Đó là đêm thơ của Heinrich Heine, nhà thơ nổi tiếng nhất của văn học lãng mạn Đức, lần đầu tiên được giới thiệu bằng âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Năm nay là dịp kỷ niệm 220 năm ngày sinh nhà thơ Đức. Thơ của ông đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới bởi vẻ đẹp giản dị trong lời thơ của ông rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Có lẽ bởi vậy, ngôn ngữ trong thơ của ông hòa hợp với những bài dân ca Việt Nam với những lời nói về tình yêu, khát vọng, hy vọng, hạnh phúc, ghen tuông, chán chường, đau khổ… Dịch giả Chu Thu Phương và nhóm Đông Kinh cổ nhạc chọn “Khúc đệm trữ tình” của ông bởi phương cách tự sự được sử dụng trong tập thơ hòa hợp với sân khấu tự sự truyền thống của Việt Nam với tuồng, chèo, xẩm, chầu văn và ca Huế, ngâm thơ.

Ngài Wilfried Eckstein chúc mừng các nghệ sĩ và dịch giả Chu Thu Phương.

Dùng tuồng để diễn xướng bài thơ số 32 của Heine, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Gái cho biết: "Là nghệ sĩ, mỗi bài thơ là một sự sáng tạo. Để chuyển từ thơ Đức sang thơ Việt đã khó, rồi chuyển thể từ thơ đó sang tuồng càng khó hơn với đòi hỏi trắc-bằng-bằng-trắc. Chuyển thể thơ là anh Đàm Quang Minh- người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống. Khi gặp những chỗ khó, Đàm Quang Minh cùng chúng tôi tìm cách bẻ làn nắn điệu, dùng kỹ thuật luyến láy để xử lý… Bản thân tôi cũng đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ, hỏi lại dịch giả Chu Thu Phương về tâm trạng của nhà thơ, nghiên cứu làm sao bộc lộ được ý muốn tác giả, rồi tìm cách thể hiện làm sao để hóa thân thành nhân vật. Thơ của Heine có những ca từ gần với tuồng. Những điều ông muốn nói có nhiều ý tứ cho nghệ sĩ thể hiện. Tình yêu của ông là tình yêu đơn phương, nhưng vẫn quyết tâm, vẫn da diết và khát vọng. Đó là chất liệu cho môn nghệ thuật tuồng vì các màn trình diễn tuồng đòi hỏi phong cách và tính biểu trưng cao. Có thể nó đó chính là khoảng trống để nghệ sĩ tuồng sáng tạo bằng diễn xuất ước lệ để thể hiện được cái thần của vai diễn".

Cùng với nhóm Đông Kinh cổ nhạc chọn các bài thơ của Heine để phổ nhạc, dịch giả Chu Thu Phương tâm sự: "Ngay tên gọi “khúc đệm” đã là một khái niệm trong giao hưởng. Việc đặt tên “Khúc đệm trữ tình” là một lời tiên tri của Heine cho tập thơ của mình. Vì gần gũi với dân ca của tập thơ, có những bài thơ của ông đã được phổ nhạc rất nhiều lần, có bài tới 121 lần. Dịch được tính nhạc trong thơ Heine dường như là thách thức lớn nhất của người dịch thơ ông. Tôi may mắn được TS âm nhạc Nguyễn Văn Nam hướng dẫn rất kỹ và khi được đắm mình trong bộ sưu tập các bản nhạc dân gian, tôi thấy việc chuyển tải thơ của mình trở nên hoàn chỉnh hơn. Bài “Trong tuyệt vời tháng năm xinh đẹp” vốn được phổ nhạc thành 83 bài hát, lần này cũng được chúng tôi nghiên cứu đưa vào chầu văn của Việt Nam”.

Thích thú với phần biểu diễn, ngài Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe chia sẻ: “Với bản thân tôi, thật thú vị khi được nghe những vần thơ của Heine qua làn điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Tôi cảm thấy rất tự hào khi những vần thơ của đất nước mình được thể hiện bằng âm nhạc của các bạn. Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Đêm thơ thực sự là một đóng góp to lớn cho các hoạt động giao lưu văn hóa, đối thoại giữa hai nước chúng ta. Thật vinh hạnh, thật hứng khởi và thật là sôi động”.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tho-heine-hoa-quyen-trong-am-nhac-viet-523062