Tinh giản những trường hợp không còn đủ uy tín

Tại dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung 6 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế so với quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu trước Quốc hội về tinh giản biên chế, ngày 27/10/2022. Ảnh: Phạm Thắng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tinh giản biên chế (TGBC) của các bộ, ngành, địa phương là 79.178 người (bộ, ngành 5.511 người; địa phương 73.667 người). Theo Bộ Nội vụ, TGBC giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, chính sách TGBC chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để giải quyết triệt để các trường hợp tinh giản, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.

Do đó tại văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về TGBC, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung 6 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sẽ thuộc diện tinh giản so với quy định hiện hành, với những đề xuất đáng chú ý.

Cụ thể, đối với trường hợp cán bộ chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, Dự thảo đề nghị đối với cán bộ, trong nhiệm kỳ bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nếu không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí hiện đảm nhiệm, cá nhân có nhu cầu TGBC và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý. Đồng thời cơ quan, tổ chức có phương án bổ sung thay thế người có trình độ đạt chuẩn nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, bổ sung trường hợp cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm, cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Cùng với đó, bổ sung trường hợp trong thời gian bị kỷ luật cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cá nhân có kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đạt dưới 50%, hoặc trong thời gian bị kỷ luật cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thực chất cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC vì bất kỳ lý do gì cũng không phải là việc “chưa có tiền lệ” nhưng sẽ góp phần giúp cho tinh giản được hiệu quả hơn bởi các trường hợp được đề xuất bổ sung đều nằm ở mức “ngấp nghé”. Cuối tuần qua, UBND tỉnh Bình Dương đã trao quyết định cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân đối với một tiến sĩ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ xin nghỉ việc vì “tinh thần làm việc mệt mỏi”, khi trước đó ông đã làm giấy xin nghỉ không lương. Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định cho Bí thư Thành ủy Biên Hòa nghỉ việc theo nguyện vọng.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, công tác cán bộ cần phải được đổi mới, linh hoạt chứ không thể cứng nhắc như trước đây. Do đó cần tinh giản đối với cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín và thay thế kịp thời bằng những cán bộ mới có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. “Bây giờ trình độ học vấn, phương tiện làm việc, điều kiện cho cán bộ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ đã tốt hơn trước rất nhiều. Dù cán bộ không bị sai phạm, bị kỷ luật nhưng nếu như để cán bộ không hoàn thành, năng lực yếu thì cũng là điểm nghẽn của công việc. Nếu để hết nhiệm kỳ hay về hưu thì là quá chậm” - ông Cuông cho hay.

Ông Cuông cũng cho rằng, cá nhân có kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đạt dưới 50%, hoặc trong thời gian bị kỷ luật cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì cũng nên “động viên” cá nhân đó tự nguyện xin nghỉ để bố trí người mới có năng lực sao cho hiệu quả hơn bởi công tác cán bộ là “có lên có xuống”.

“Sắp tới chúng ta sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ các cấp. Một trong những tiêu chuẩn của cán bộ là uy tín và một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ chính là lấy phiếu tín nhiệm. Nếu kết quả không đạt 50% thì nên động viên cho họ nghỉ” - ông Cuông nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, các đề xuất sẽ hợp lý khi thấy mình không đáp ứng được về mặt sức khỏe, không đáp ứng được tiêu chuẩn công việc, năng lực theo vị trí việc làm, và uy tín thì tự nguyện làm đơn xin nghỉ. Đối với các trường hợp bị kỷ luật dù chưa đến mức cho thôi việc nhưng bản thân họ cảm thấy không còn đủ uy tín nên tự nguyện làm đơn xin nghỉ thì cũng là phù hợp. Do đó, nên có cơ chế để giải quyết nguyện vọng của họ.

Về vấn đề nguồn lực để giải quyết chính sách đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ trước thời hạn công tác, ông Dĩnh cho rằng, không quá đáng lo ngại bởi trong quá trình TGBC đã có kế hoạch, trong đó đã tính đến yếu tố nguồn lực gắn với mục TGBC trong giai đoạn 2021-2026. Nguồn lực đã được chuẩn bị nên không quá lo lắng về vấn đề tài chính, nhưng cần quan tâm đến tuyển dụng mới đáp ứng được chất lượng công việc.

Ông Dương Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Thăng Long cho rằng, bộ máy hành chính nhà nước cần được sắp xếp một cách hợp lý và khoa học. Bộ máy “phình to” sẽ không đem lại hiệu quả. Cho nên, cá nhân có kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đạt dưới 50%, hoặc trong thời gian bị kỷ luật cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì nên động viên để họ tự nguyện xin nghỉ. Bởi khi đã bị kỷ luật, hay uy tín không còn thì tự nguyện xin nghỉ là hợp lý.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-gian-nhung-truong-hop-khong-con-du-uy-tin-5717282.html