TPHCM: Kho bãi quá tải vì chứa xe vi phạm

Sau những đợt lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an TPHCM (CATP) xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn, lượng phương tiện bị giữ tăng cao, các kho xe tang vật thêm quá tải, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Mới đây, đại diện CATP cho biết, các bãi xe tang vật trên địa bàn thành phố (TP) đang quá tải, thiếu hơn 10.000m² kho bãi để tạm giữ xe vi phạm hành chính.

Báo động cháy nổ cao

CATP cho biết, qua các đợt tăng cường xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhiều người bỏ xe khiến các kho tạm giữ tại TP thêm quá tải. Trong năm 2023, lực lượng CSGT TPHCM xử lý hơn 650.000 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 20%. Số lượng xe máy, ôtô bị giữ gần 155.000 chiếc. Theo thống kê riêng của Phòng CSGT - CATP, hiện nay còn thiếu hơn 10.000m2 kho bãi để tạm giữ xe vi phạm hành chính.

Cụ thể, kho tang vật lớn nhất của TPHCM rộng hơn 20.000m2 có 9 khối nhà 2 tầng đúng quy chuẩn có mái che, hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng đã quá tải, hết nơi chứa trong nhiều năm qua do đang giữ hơn 17.000 xe máy, ôtô. Các kho có mái che hết chỗ chứa, lực lượng quản lý phải đem xếp nhiều hàng, chất chồng lên nhau. Tại bãi tạm giữ xe của CAQ7 (trên đường Nguyễn Văn Quỳ, P.Phú Thuận), hàng ngàn xe được dựng kín "phơi nắng, phơi mưa", chỉ còn chừa một lối đi nhỏ khoảng 1m ở giữa để đẩy xe ra vào. Còn ở bãi xe CAQ.Bình Tân (giao lộ Võ Trần Chí - Hồ Văn Long) cũng trong tình cảnh tương tự. Bên trong, hàng nghìn xe máy xếp hàng dài. Phần lớn các xe này đều cũ kỹ, biến dạng và bám bụi theo thời gian. Tại bãi tạm giữ xe vi phạm của CATP.Thủ Đức (đường Thống Nhất, P.Bình Thọ) do không có mái che nên hàng ngàn xe máy, ba gác... dựng san sát nhau và hư hỏng nặng.

Xe vi phạm chồng chất và hư hỏng

Dù lực lượng chức năng cố gắng sắp xếp nhưng diện tích nơi chứa chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết kho đều quá tải, hàng chục nghìn xe máy, ôtô phải dựng ở bãi đất trống phơi nắng, mưa, trong khi xử lý vướng nhiều quy định, tốn thời gian. Để bảo đảm an toàn PCCC trong mùa khô, sắp tới CATP triển khai nhiều giải pháp như trang bị phòng cháy, thường xuyên kiểm tra bảo trì các phương tiện, xây dựng các phương án chữa cháy, vệ sinh kho bãi... Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương, lực lượng CSGT tổ chức các trang thiết bị PCCC đúng quy định, thường xuyên kiểm tra, bảo trì. Đồng thời, các lực lượng cần xây dựng các phương án chữa cháy tại kho bãi để bảo đảm an toàn, dễ dàng xử lý tình huống xảy ra.

Các cán bộ, chiến sĩ cần phân loại phương tiện tạm giữ thành các nhóm, đẩy nhanh công tác xử lý tang vật. Ngoài ra, CATP cũng chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp thay thế tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm. Các biện pháp có thể làm là tạm giữ các giấy tờ, chứng chỉ thay cho phương tiện để giảm số tang vật cần tạm giữ.

Đâu là nguyên nhân?

Thời gian qua, lực lượng CSGT CATP đã ra quân thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Do mức phạt các lỗi này tương đối cao (đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm) và có hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.

Một cán bộ CSGT cho biết, trong lúc làm nhiệm vụ, phát hiện hai người đàn ông có biểu hiện say xỉn nên yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau khi dừng xe, cả hai đã lấy hết đồ đạc trong cốp xe rồi bỏ đi với lý do "chiếc xe giá trị thấp nhưng đóng phạt lại cao nên đành bỏ xe và bắt xe ôm về nhà”. Có người khi nghe tin CSGT phạt 7 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn liền tuyên bố không đóng phạt và bỏ luôn xe vì phương tiện này đã cũ, không có giá trị nhiều.

Quá tải ở kho tang vật của Công an Quận 7

Cũng theo CSGT, đa số người chạy xe ba gác, xe "hết đát" chở hàng cồng kềnh trình bày hoàn cảnh khi bị phạt và sau đó bỏ luôn xe. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023, CSGT TPHCM đã tổ chức kế hoạch chuyên đề xử lý xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, trong đó chủ yếu là xe ba bánh, xe thô sơ, xe máy chở hàng cồng kềnh. Kết quả, CSGT phát hiện 16.491 xe máy chở hàng quá khổ giới hạn, 3.356 xe máy thiết bị kỹ thuật không bảo đảm an toàn. Riêng xe ba bánh, CSGT phát hiện 2.029 xe ba bánh, trong đó 704 trường hợp chở hàng hóa quá khổ giới hạn.

Điều đáng nói, các trường hợp bị xử phạt chở hàng cồng kềnh trên xe máy có giấy tờ đầy đủ thì người dân sẽ đến đóng phạt để nhận xe về. Còn lại đa số xe "hết đát", xe cà tàng, xe 3 bánh đều bỏ luôn xe khi bị CSGT lập biên bản vì không có giấy tờ hợp lệ, người vi phạm cũng không đến đóng phạt, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe. Sau thời gian quy định, cơ quan chức năng làm các thủ tục tịch thu xe.

Đại diện một số đơn vị cho biết, tình trạng thiếu kinh phí để xây dựng kho bãi trong khi không có quy định thu lệ phí trông giữ xe tạm giữ nên không có nguồn kinh phí tái đầu tư, cải tạo, sửa chữa kho bãi... Trong khi đó, với xe bị tịch thu, quy trình xử lý để bán được một xe máy từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 12 tháng. Ngoài ra, phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá bán đấu giá mất khoảng 2 - 3 năm. Việc thực thi đối với quy định đặt tiền bảo lãnh xe và quy định giao xe vi phạm cho người vi phạm tạm giữ cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/kho-bai-qua-tai-vi-chua-xe-vi-pham_158026.html