Triển khai Chương trình mới ở lớp 3: Chủ động giải 'bài toán' giáo viên

Năm học 2022 - 2023, giáo dục tiểu học triển khai Chương trình GDPT 2018 tiếp tục với lớp 3 và dạy học bắt buộc 2 môn Tiếng Anh, Tin học.

Nhiều địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên môn Tiếng Anh. Ảnh: Đức Trí

Như vậy bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất thì việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng vô cùng cần thiết và phải sớm hoàn thành.

Sẵn sàng tâm thế đội ngũ

Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, thời điểm này trường đã lên danh sách giáo viên để sẵn sàng dạy lớp 3 năm học tới. Việc chuẩn bị sớm như vậy để giáo viên sẵn sàng tâm thế, chủ động trong hoạt động tập huấn bồi dưỡng, tự học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hơn thế, từ năm học này, giáo viên có thể chủ động dần làm quen với chuyển đổi phương pháp giáo dục theo định hướng, yêu cầu của Chương trình, SGK mới.

Dự kiến năm học tới trường có 5 lớp 3 với hơn 200 học sinh, nhưng để sẵn sàng cho việc phòng trừ trường đã lên danh sách 7 giáo viên lớp 3 và một số giáo viên bộ môn chuyên biệt cùng tham gia tập huấn, bồi dưỡng.

“Thời điểm này, việc chuẩn bị đội ngũ dạy học lớp 3 theo Chương trình, GDPT 2018 không khó khăn vướng mắc. Trường đã cơ bản sẵn sàng để bước vào năm thứ 3 đổi mới chương trình, SGK tự tin…” – cô Phượng khẳng định.

Với giáo viên tiếng Anh, Tin học, cô Vũ Thị Phượng cho biết không lo lắng bởi trường đang có sẵn 2 biên chế và hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu; Với môn Tin học, trường đã cử một số giáo viên bộ môn còn dư hoặc thầy cô giáo có khả năng học thêm văn bằng 2 để đảm trách nhiệm vụ. Trường hợp khác, trường cũng có thể tận dụng giáo viên thỉnh giảng từ khối THCS cùng địa bàn để tăng cường.

Tại Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh – Bắc Ninh), số lượng đội ngũ dạy lớp 3 cũng được nhà trường lên danh sách sẵn với 7 giáo viên/4 lớp/130 học sinh. Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng cũng trao đổi, số đội ngũ dạy lớp 3 năm tới sẽ lấy hoàn toàn giáo viên đang giảng dạy khối 3 năm nay. Lý do quyết định như vậy là bởi nhằm bảo đảm xuyên suốt, liền mạch kiến thức, kết hợp bồi dưỡng tập huấn giáo viên càng thêm vững vàng, đáp ứng tốt cho dạy học diễn ra hiệu quả, thuận lợi.

Về đội ngũ dạy tiếng Anh, Tin học của Trường Tiểu học Phong Khê hiện tại cũng đã cơ bản đầy đủ với mỗi môn 2 giáo viên và đang xin bổ sung 1 người hỗ trợ môn Tiếng Anh.

Ngoài yên tâm về số lượng, cô Thủy cũng bày tỏ tin tưởng vào chất lượng bởi bởi đa số giáo viên khối 3 đều có tuổi nghề, vững vàng chuyên môn. Mặt khác, phương pháp giảng dạy ở chương trình mới có sự kế thừa của chương trình hiện hành, giáo viên sẽ nhanh chóng thích nghi và không còn bỡ ngỡ khi vào việc. Đặc biệt, việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào soạn giáo án, giảng dạy giáo viên cũng tiếp cận tương đối nhanh, triển khai chất lượng, hiệu quả.

Cô PhạmThị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) - trao đổi: Trường đã dự kiến 4 giáo viên dạy khối 3 năm học tới cho lớp 3 với gần 200 học sinh. Số lượng vượt hơn yêu cầu không chỉ nhằm dự phòng trường hợp giáo viên luân chuyển, mà còn tiện cho công tác phân công chuyên môn...

Và để bảo đảm chất lượng đội ngũ dạy lớp 3 cho năm đầu tiên bước vào đổi mới chương trình, SGK, Ban giám hiệu cũng chọn 100% số giáo viên đang dạy học khối 3 tiếp tục dạy 3 năm tới. Thậm chí, số giáo viên này còn được trường cử tham dự tập huấn Chương trình GDPT mới cùng giáo viên lớp 2 hè vừa qua để sớm nắm tinh thần đổi mới cũng như phương pháp và các yêu cầu khác của Chương trình, SGK mới…

Được biết tại Trường Tiểu học Trí Yên còn “trắng” giáo viên Tin học, tuy nhiên cô Huệ cho biết nguồn tuyển và việc bổ sung khả quan. Phòng GD&ĐT Yên Dũng đã tiến hành rà soát đội ngũ, số giáo viên thừa ra của các bộ môn chuyên biệt được vận động học chuyển đổi. Như vậy, năm học tới số giáo viên này hoàn toàn có thể bổ sung kịp thời cho số giáo viên Tin học còn thiếu.

Cô và trò Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng). Ảnh: NTCC

Linh hoạt tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) - cho biết: Kết thúc học kỳ I, Phòng sẽ có đủ danh sách giáo viên dạy học lớp 3 năm học tới của các trường tiểu học.

Tuy chưa lập danh sách nhưng tinh thần chỉ đạo chung của ngành vẫn là lấy giáo viên khối 3 hiện tại để tiếp tục dạy lớp 3 năm sau. “Khi nào giáo viên cả 5 khối lớp được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo Chương trình, SGK mới, có thể hòa chung 1 nhịp, lúc đó tiếp tục sắp xếp lần nữa sẽ phù hợp hơn…” – ông Thắng nói.

Đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học hiện tại huyện Văn Bàn thiếu số lượng không đáng kể bởi đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước khi ưu tiên tuyển giáo viên dạy học môn chuyên biệt. “Số lượng giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu đều có thể khắc phục năm học theo cách phân công 1 giáo viên dạy liên trường; cân đối số biên chế còn có thể tuyển để ưu tiên tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học... Như vậy việc triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học tới đã có thể yên tâm về số và chất lượng giáo viên ngay sau tập huấn, bồi dưỡng…” – ông Thắng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái) - cho biết, bước vào triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, 2, Sở không chỉ đạo các nhà trường chọn giáo viên tốt nhất mà chỉ chọn những giáo viên phù hợp nhất về năng lực, sở trường. Qua đó, làm sao để giáo viên phát huy được tối đa thế mạnh. Vì vậy, với giáo viên dạy khối 3 năm tới cũng sẽ chọn trên tinh thần tương tự.

Sở dĩ như vậy, theo bà Hằng, chọn đội ngũ phù hợp nhất (thầy cô đã có kinh nghiệm, năng lực phẩm chất) dạy theo khối lớp sẽ phát huy tối đa năng lực của giáo viên. 1 giáo viên không sắc sảo, nhanh nhẹn nhưng tỉ mỉ, tận tâm thì hoàn toàn phù hợp với dạy lớp 1; Còn với giáo viên lớp 5 có thể không tỉ mỉ nhưng lại đòi hỏi phải giỏi, nhanh nhẹn, giải bài tập tốt...

Hơn thế, bà Hằng cho rằng, việc cử giáo viên dạy đuổi lên hay duy trì thì phải do hiệu trưởng đánh giá mới chuẩn xác chứ không thể áp đặt một khuôn mẫu nào đó. Quá trình phân công Ban giám hiệu còn xem xét tới năng lực, sở trường từng giáo viên mới có thể phân công phù hợp. Cần trao quyền cho hiệu trưởng trong việc chọn đội ngũ dạy học các khối theo Chương trình, SGK mới, bởi không ai nắm chắc giáo viên bằng Ban giám hiệu…

Trao đổi về giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học để triển khai dạy học 2 môn bắt buộc ở lớp 3, bà Hằng cho biết, Yên Bái còn thiếu số lượng lớn nhưng giáo viên Tin học thiếu nhiều hơn. Tuy nhiên, giáo viên Tin học ngành vẫn có thể tháo gỡ kịp thời khi đã thực hiện chuyển đổi giáo viên thừa ở các môn học khác sang dạy (sau khi đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn lại). Với giáo viên tiếng Anh thiếu ít hơn nhưng khó “gỡ” hơn bởi không có nguồn tuyển.

Hiện, ngành GD-ĐT Yên Bái đang nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau để tuyển dụng bổ sung đủ số giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu cho việc triển khai dạy học bắt buộc 2 môn học này ở lớp 3 năm học tới…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trien-khai-chuong-trinh-moi-o-lop-3-chu-dong-giai-bai-toan-giao-vien-BNt5L7t7g.html