Xem xét cho phép nhà đầu tư vào mà không cần dự án

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nếu không có chính sách đột phá, khi đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được Quốc hội thông qua (dự kiến tại Kỳ họp tháng 5 tới), sẽ khó tạo khác biệt; do đó, cần mạnh dạn áp dụng chính sách cấp phép cho tập đoàn đa quốc gia mà không cần có dự án. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, một số tập đoàn đã đặt vấn đề này.

Khu thương mại tự do sẽ tạo sự phát triển đột phá

So với dự thảo cuối tháng 2.2024, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (dự thảo Nghị quyết) trình cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập diễn ra chiều 4.4 đã có điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Cụ thể, ở dự thảo trước, Ban soạn thảo đề xuất 27 chính sách đặc thù, bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương và 6 chính sách mới, trong đó có thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Quang cảnh cuộc họp

Ở dự thảo mới được xây dựng theo hai nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Nhóm 1 là chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng (9 chính sách); nhóm 2 là các chính sách đặc thù phát triển thành phố đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách; trong đó 6 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và 5 chính sách đề xuất mới).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong số 5 chính sách mới, có hai chính sách lớn sẽ mang tính đột phá, khác biệt hẳn. Đó là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiều và đề xuất HĐND thành phố quyết định cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Đáng chú ý, dự thảo mới đã phác họa rõ nét hơn hình hài Khu thương mại tự do. Đó là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; bao gồm các khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ. Khu có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Cũng theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng. UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu thương mại tự do. Về chính sách ưu đãi đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng tương tự dự án đầu tư trong khu kinh tế.

Dự thảo cũng quy định rõ đối với hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế. Theo đó, khách du lịch là người Việt Nam có thời gian lưu trú từ 24 giờ trở lên tại cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khách du lịch là người nước ngoài được mua hàng miễn thuế tại Khu thương mại - dịch vụ thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tiêu thụ trong nội địa. Một người được mua 1 lượt/ngày và không quá 3 lần/1 tháng với định mức tối đa bằng 3 lần định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hành lý của người nhập cảnh cho từng lần nhập cảnh theo quy định.

Phân cấp mạnh hơn

Tại cuộc họp, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, đồng thời cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo, trong đó có đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, thiết kế như trong dự thảo sẽ khó tạo thay đổi cho Đà Nẵng sau 5 năm nữa. Để có bước phát triển đột phá, ông đề nghị, cần mạnh dạn áp dụng chính sách cho phép nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, đến đầu tư tại Khu thương mại tự do mà không cần phải có dự án như quy định hiện hành. “Chẳng hạn, chỉ trong vòng 1 tiếng đã cho phép họ được lập công ty tại Khu thương mại tự do để giữ chân họ, thay vì yêu cầu họ phải có dự án mới được cấp phép đầu tư”, ông Hoàng nói. Đây cũng là mô hình của Khu thương mại tự do Hải Nam, Trung Quốc là thu hút tập đoàn đa quốc gia đến đặt văn phòng, tức là “kinh tế trụ sở”.

Cùng với đó, ông Hoàng cho rằng, nên có chính sách thuế suất thực sự đột phá, có thể không thu thuế mà chỉ thu phí đối với họ, song cần có đánh giá tác động. Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa, cần trao quyền mạnh mẽ hơn cho Ban Quản lý. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kinh nghiệm Khu thương mại tự do Thượng Hải, Trung Quốc để sớm có đề xuất cụ thể”, ông Hoàng xác nhận.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lê Thành Quân cho rằng, Đà Nẵng có nhiều điểm tương đồng với Khu thương mại tự do Thượng Hải, Hải Nam (Trung Quốc). Hiện, Hải Nam xác định Khu thương mại tự do quy mô cả đảo, song họ thí điểm với 13 khu chức năng. Ông Quân đề nghị, nên tính toán đến việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng ở quy mô toàn thành phố thay vì chỉ riêng một khu vực cụ thể.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, khi lập Khu thương mại tự do sẽ thu hút lao động nước ngoài, song hiện nay, dự thảo Nghị quyết lại chưa đề cập đến việc cấp phép cho họ. Vì thế, cần xem xét đến vấn đề này…

Nhấn mạnh việc thành lập Khu thương mại tự do phải hướng tới câu chuyện giản lược về thủ tục thay vì quá quan tâm về chính sách, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất phải giải quyết 3 việc. Một là về trình tự thủ tục, hoặc sẽ quy định ngay trong Nghị quyết, hoặc giao HĐND thành phố chịu trách nhiệm ban hành, đồng nghĩa gắn rõ trách nhiệm của HĐND. Hai là cần quy định tối đa thời gian để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư vào Khu thương mại tự do, chẳng hạn không quá 60 ngày hoặc không quá 90 ngày. Ba là về đầu mối, ông Quảng đồng tình phải phân cấp mạnh hơn cho Ban Quản lý để giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn.

Cũng theo ông Quảng, nếu cho phép các tập đoàn lớn đặt văn phòng, trung tâm nghiên cứu, đào tạo tại Khu thương mại tự do thay vì yêu cầu phải có dự án trước sẽ rất thuận lợi cho thành phố. Hiện nay, một số tập đoàn như Intel, NVIDIA... đã đặt vấn đề này.

Khẳng định trước mắt nên thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, về lâu dài cần phải có luật vì như thế mới tạo sự ổn định lâu dài, qua đó tạo dựng niềm tin, sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành mạnh dạn phân cấp triệt để cho thành phố, tức là phân cấp thẳng cho Ban Quản lý. Nếu làm được sẽ là một cuộc cách mạng không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cho cả nước.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xem-xet-cho-phep-nha-dau-tu-vao-ma-khong-can-du-an-i365281/