Đừng để 'sa tặc' lộng hành

Bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, không thể để sa tặc cứ mãi thách thức chính quyền và người dân.

Trong tuần qua, loạt bài điều tra ““Công trường sa tặc” trong rừng ở Bình Thuận” đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Loạt bài phản ánh tình trạng đào trộm, khai thác cát trái phép tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận một cách ngang nhiên. “Công trường sa tặc” này hoạt động ngày đêm, xuyên Tết, quanh “công trường” này có nhiều người cảnh giới.

Sau khi vụ việc được báo chí thông tin, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân, VKSND, UBND xã Sơn Mỹ và các ngành chức năng liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường ở “công trường sa tặc”. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.

Một số bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, không thể để “sa tặc” cứ mãi thách thức chính quyền và người dân.

Loạt bài điều tra “Công trường sa tặc” trong rừng ở Bình Thuận được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM.

Không thể để “sa tặc” tái diễn

Bạn đọc Thành Nhân nêu ý kiến: “Đọc bài viết mà thấy xót xa cho những người dân trong khu vực có đất bị ảnh hưởng bởi bọn khai thác cát lậu này. Tôi không hiểu những người khai thác cát trái phép thế lực mạnh đến cỡ nào mà ai có ý định chống đối, cản trở hoặc phản ánh với chính quyền là có giang hồ đến tận nhà để uy hiếp, đe dọa.

Những người dân lương thiện đang sống và làm việc theo pháp luật thì cần được pháp luật bảo vệ. Chính vì thế, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an phải xử lý nghiêm người cầm đầu nhóm “sa tặc” để bảo vệ những người dân yếu thế, bảo vệ môi trường sống, nguồn tài nguyên khoáng sản”.

“Với quy mô khai thác cát hoành tráng như vậy, lại xảy ra trong thời gian dài mà không bị chính quyền địa phương xử lý, tôi thật lấy làm lạ. Từ những phản ánh của báo, tôi nghi ngờ có thể có sự bảo kê, dung túng của chính quyền địa phương nên chúng mới lộng hành như thế. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và nếu có sự bao che của cán bộ địa phương thì phải xử lý nghiêm, không để tình trạng cứ tái diễn”- bạn đọc Nguyễn Tuấn nêu ý kiến.

Bạn đọc Thái Hòa bình luận: “Từ năm 2021 đến nay, ít nhất ông Ch tổ chức khai thác cát trái phép đã ba lần bị xử phạt vi phạm hành chính. Với ba lần bị phạt, điều này cho thấy chính quyền địa phương đã nắm mà không xử lý dứt điểm. Không thể để “sa tặc” cứ mãi thách thức chính quyền và người dân”.

Lãnh đạo địa phương đã từng chỉ đạo xử lý “công trường sa tặc”

Ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài đầu tiên của loạt bài điều tra, sáng 27-2, Công an huyện Hàm Tân, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với UBND xã Sơn Mỹ đến “công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Ch (ngụ xã Sơn Mỹ) để kiểm tra. Tuy nhiên, nhân vật chính của “công trường sa tặc” này không xuất hiện.

Trao đổi với PV sau buổi kiểm tra, ông Hoàng Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, cho biết: “UBND xã đã thành lập ba tổ cố định của UBND xã và một tổ cơ động của công an xã, mỗi tổ 3-5 người, có thể tự tổ chức mật phục vào ban đêm tại các điểm khai thác cát”.

Trước đó, ngày 2-8-2023, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân theo đơn phản ánh của tập thể người dân cơ sở.

Qua nắm bắt thực tế, ông Đăng yêu cầu huyện Hàm Tân phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý tình trạng mua bán quyền sử dụng đất để khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, sau nửa năm, ở thời điểm loạt bài điều tra đăng những ngày gần đây vẫn cho thấy hoạt động khai thác cát ở xã Sơn Mỹ diễn ra bát nháo.

Lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng lập tức chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan khẩn trương, kiên quyết kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép mà Pháp Luật TP.HCM đã đề cập.

Ngày 28-2, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân và VKSND cùng cấp khám nghiệm hiện trường “công trường sa tặc” mà báo nêu đích danh để củng cố hồ sơ, xử lý. MINH HẬU

Khai thác cát trái phép có thể bị xử lý hình sự

Trước tình trạng khai thác cát trái phép, một số bạn đọc thắc mắc hành vi trên có thể bị xử lý hình sự không?

Liên quan đến thắc mắc của bạn đọc, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, phân tích: Tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản quy định khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Như vậy, cát, đất, sỏi, sạn… đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa của vỏ Trái đất là khoáng sản.

Điều 227 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Cụ thể, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm, tùy vào mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể.

“Như vậy, trường hợp cá nhân, pháp nhân có hành vi khai thác cát trái phép có thể thỏa mãn cấu thành tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 BLHS” - luật sư Quân chia sẻ.

Luật sư Quân nêu: Hành vi khai thác, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản trên đất có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu, có thể thỏa mãn cấu thành tội phạm thuộc nhóm xâm phạm sở hữu như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 BLHS, tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS, tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS...•

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-sa-tac-long-hanh-post778466.html