Thực tế nguy hiểm cho các nhà báo ở Pakistan

Các nhà báo ở Pakistan ngày nay phải đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn khi tác nghiệp. Họ đang phải chống lại các mối đe dọa đến tính mạng, bắt cóc, tấn công, bạo lực. Theo một báo cáo của UNESCO, từ năm 2002 đến 2022, 90 nhà báo đã thiệt mạng ở nước này.

Tấn công các nhà báo

Bất chấp những đảm bảo về quyền tự do ngôn luận, biểu đạt và tự do báo chí trong hiến pháp Pakistan, song các vụ bắt cóc, hành hung, quấy rối và thậm chí giết hại các nhà báo đang gia tăng.

Ảnh: IJN

Vào tháng 10/2022, nhà báo truyền hình 49 tuổi Arshad Sharif, đã bị cảnh sát ở Nairobi bắn chết do “nhầm lẫn danh tính”. Tuy nhiên, các nhà điều tra Pakistan xác định đây là một "vụ ám sát có kế hoạch".

Vào tháng 4/2023, Akash Ram, giám đốc tiếp thị của Bol Media Group, đã bị bắt cóc và vẫn bị giam giữ cho đến nay. Ông cũng thuộc cộng đồng thiểu số theo đạo Hindu ở Pakistan.

Hậu quả cho các nhà báo

Các nhà báo ở các nơi như Islamabad, Peshawar, Karachi, Hyderabad và Lahore, cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng đáng kể.

Khi đưa tin về vụ đánh bom ở Landi Kotal khiến 26 người thiệt mạng, Muhammad Qasim, một phóng viên kỳ cựu của Báo Ummat ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, đã quyết định sẽ không đề cập đến nhóm bị tình nghi đứng sau vụ tấn công vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của ông, nhóm biên tập đã nêu tên nhóm để thu hút sự chú ý của độc giả.

“Hậu quả tới rất nhanh chóng và đáng sợ. Tôi trở thành mục tiêu thường xuyên của các mối đe dọa từ các tổ chức này. Cuộc sống của tôi đã bị thay đổi mãi mãi chỉ bởi tiêu đề một bài báo", ông nói.

Nhà báo truyền hình Abdullah Magsi cũng cho biết quấy rối, bạo lực và đe dọa liên tục là mối quan tâm thường xuyên của các nhà báo ở Balochistan. “Tôi đã tận mắt chứng kiến những khó khăn và nguy hiểm mà các nhà báo ở Balochistan phải đối mặt khi theo đuổi tự do báo chí. Việc thiếu hỗ trợ từ chính phủ càng làm trầm trọng thêm tình hình”, ông cho hay.

“Điều quan trọng là ngành truyền thông, xã hội và chính phủ phải hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức mà các nhà báo phải đối mặt ở Balochistan. Cần có thêm sự hỗ trợ và hợp tác giữa các ngành để bảo vệ các nhà báo", ông nhận định.

Các nhà báo cũng nói rằng họ phải lựa chọn cẩn thận chủ đề do lo sợ bị trả thù. Imran Bhinder, một nhà báo cấp cao từ tỉnh Punjab của Pakistan nói rằng: “Vì sự an toàn của bản thân và gia đình, tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là không đưa tin về các vấn đề gây tranh cãi như chính trị, tội phạm, tham nhũng và các chủ đề nhạy cảm khác”.

Kêu gọi hành động khẩn cấp

"Chúng ta cần thành lập một ủy ban gồm các thẩm phán công bằng dể phản ứng nhanh chóng trước các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo và bảo vệ quyền của họ", nhà báo Lala Mirza cho hay. "Chúng tôi cần một môi trường an toàn để báo chí phát triển và buộc những người nắm quyền phải chịu trách nhiệm”.

Bà Haseen Musarat, một nhà hoạt động xã hội từ Sindh, cho biết xã hội cũng có một vai trò nhất định.

“Cần phổ cập tầm quan trọng của xã hội trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí. Điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau để ủng hộ quyền tự do báo chí thực sự và tạo ra một môi trường để các nhà báo có thể làm việc mà không sợ hãi hoặc bị ảnh hưởng quá mức”, bà cho hay.

Hoàng Tôn (theo IJN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-te-nguy-hiem-cho-cac-nha-bao-o-pakistan-post254318.html